VAY NỢ MÀ HỌC, CHỨ SAO NỮA?

Có nhiều lý do khách quan cho việc lựa chọn “từ bỏ việc học để đi làm”, nhưng liệu sẽ có phương án tốt hơn?

Sau khi mình viết bài về ĐỪNG ĐẠI TRÀ, thấy có comment đại ý rằng các bạn nhà có điều kiện thì mới đi làm các công việc “cao sang” được chứ, còn nhà nghèo thì phải làm các công việc “kém sang” chút, nhưng có tiền ngay. Ví dụ phải có smartphone hay máy tính mới làm được các công việc online, chứ đến cái điện thoại cũng không có thì phải đi làm việc “đại trà” thôi. Nên mình lại phải giải oan cho cái chữ NGHÈO bằng 1 câu chuyện này. Để các bạn thấy là, nếu vẫn còn có thời gian lên mạng comment được thì không nghèo lắm đâu. Vậy còn giàu hơn trăm lần nhân vật sau đây đấy nhá.

 

Ngày cấp 3 mình chơi với một bạn lớp bên cạnh, bạn học giỏi cực kỳ, chắc là giỏi nhất khối (hoặc nhất trường) nên được nhà trường cử đi thi Olympia. Hãy gọi bạn là Lâm đi (ví dụ như thế).

Sau này Lâm đỗ vào trường Bách Khoa. Bạn học rất giỏi và đi làm ở các công ty quốc tế hoành tráng. Cuộc sống sau này thành công và hạnh phúc.

Nhà Lâm nghèo xơ nghèo xác, thật sự chưa thấy nhà ai nghèo như vậy luôn. Bố mất, một mình mẹ bạn đi buôn bán lặt vặt đủ thứ, nuôi 5 anh chị em, mà lớn nhất là bạn Lâm, bắt đầu bước vào đại học. Các em từ cấp 1 đến cấp 3, tất nhiên chỉ học, chứ chưa làm ăn giúp đỡ gì được. Mình đến nhà bạn chơi, mà thật chả biết ngồi đâu luôn, vì chẳng có bàn ghế gì.

Tài sản duy nhất Lâm có khi bước vào đại học chắc là cái xe đạp. Trường xa nên bạn đi xe bus luôn, bỏ xe đạp cho em đi học. Ngoài ra? Chẳng có gì. Tay trắng.

Nhưng Lâm có chiến lược. Đời hơn nhau ở tư duy mà thôi.

Bạn quyết định vay để học đại học. Nhà trường có chính sách kết hợp với ngân hàng cho sinh viên vay để học đại học, bạn đăng ký 1 suất. Nhưng tất nhiên, số tiền đó chỉ ở mức tối thiểu, chắc chỉ đủ học phí thôi, còn ăn ở đi lại… bạn không thể về xin mẹ được, còn 4 đứa em mẹ phải nuôi.

Bạn liền nhờ người bạn thân ở trường, vay thêm 1 suất nữa. Vậy là bạn có 2 suất hỗ trợ học phí, đủ để bạn cảm thấy thoải mái về tiền nong, mà không phải lựa chọn làm thêm quá vất vả, sao nhãng việc học. Làm thêm lúc này chỉ để mua cái máy tính, hay tăng thêm kinh nghiệm thôi. Không có áp lực tài chính, lựa chọn của bạn sẽ sáng suốt hơn.

Có điều này mong các bạn trẻ lưu ý. Để người khác sẵn sàng giúp đỡ mình, thứ duy nhất họ đánh cược vào bạn là uy tín. Khi trẻ, bạn chẳng có gì để đảm bảo hết, ngoài uy tín của bản thân. Khi biết chuyện Lâm vay thêm 1 suất hỗ trợ nữa, mình thật sự cũng mong muốn mình có thể đứng ra vay 1 suất cho bạn ấy. Không chỉ vì chơi với nhau, quý nhau, mà vì uy tín của bạn, khiến cả thế giới muốn dành điều tốt đẹp cho bạn.

 

Chuyện vay chính phủ, ngân hàng để học đại học là chuyện hết sức bình thường của các bạn Âu Mỹ. Gần như tất cả các bạn Tây đều được giáo dục là 18 tuổi tự lo thân, vừa làm thêm, vừa vay tiền nhà nước để học. Lên thạc sỹ hay tiến sỹ cũng được vay hết. Sau đó đi làm vài năm cật lực trả nợ. Mình có anh bạn Mỹ, con gái 6 tuổi rồi anh mới trả hết nợ học đại học. Nhưng Châu Âu thì học phí rẻ hơn, nhiều việc làm cho sinh viên, nên 1-2 năm các bạn trả nợ được hết rồi.

Vậy thì chuyện NGHÈO chắc là do các bạn VN mình chưa biết tiền ở đâu thôi, phải không nhỉ?

Lắm lúc tôi không hiểu, tại sao nhiều người (lên cả báo) lại quyết định "bỏ học, đi lao động phổ thông, vì nhà nghèo không có tiền cho con học tiếp." Là sao vậy trời?

___________

Trên đây là phần chia sẻ của chị Mai Mai - CEO GeoLink.vn.

Định hướng nghề nghiệp và phát triển bản thân luôn nằm trong top những mối quan tâm hàng đầu của người trẻ hiện nay - đặc biệt là thế hệ GenZ. Dù bạn dự định theo đuổi một lĩnh vực hay nhắm tới vị trí trong bất kỳ tổ chức nào, chuẩn bị cho mình đủ hành trang tri thức và kỹ năng, biết nắm bắt các cơ hội và đặc biệt, có cho mình những người đồng hành trên con đường sự nghiệp luôn là lợi thế. 

Theo dõi thêm các bài viết để sớm tích lũy kinh nghiệm cho mình trên hành trình sắp tới bạn nhé!

 

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết