TA KHÔNG BIẾT NHỮNG GÌ TA KHÔNG BIẾT

(Sưu tầm)

Hình đồ thị dưới đây cho thấy sự biến đổi trong độ tự tin của mỗi người:

- Đầu tiên, họ chẳng biết gì cả, và hiển nhiên họ cũng tự hiểu rằng mình kém. Một người mới chơi poker thời gian đầu sẽ như vậy, rụt rè, vừa đánh vừa nhìn quanh để học hỏi, về nhà có khi còn bật youtube lên tìm xem Phil Ivey hoặc Tom Dwan chơi

 

- Được một thời gian, tiến bộ một chút, đạt được chút thành công, họ bỗng nghĩ họ cực kỳ giỏi. Đây là những người chơi poker từ 1 đến vài năm, ăn được nhiều tiền khi cash game với gà hoặc thắng được vài giải lớn, bắt đầu nhảy lên chơi high stakes, ngồi trên bàn thì bình phẩm chê bai cách chơi của người khác. Họ cũng không đủ trình độ để nhận ra cái giỏi của những chuyên gia thực thụ, vì thế dạo quanh forum poker, ta thường bắt gặp những bình luận kiểu như "Thằng A mà cũng gọi là top pro? Tao ngồi chung bàn với nó rồi, đánh thường lắm". Người nghệ sĩ hàng đầu mới cảm nhận rõ ràng được sự khác biệt giữa một chiếc đàn hàng chục nghìn USD và một chiếc guitar hàng chợ. Những bậc thầy ẩm thực mới thấy hết được độ tinh tế trong tô nước dùng của một hàng phở gia truyền.

 

- Đến một lúc nào đó, họ vượt qua "đỉnh của ngọn núi Vô Tri", bắt đầu ngộ ra rằng, kiến thức thật mênh mông, còn quá nhiều điều ta không biết. Với những người chơi poker, đó thường là lúc họ bị downswing, không còn may mắn nữa, thua liên tục, bị hiện thực đập vào mặt, hoặc khi họ bắt đầu tiếp cận với các phương pháp, lối chơi hiện đại, khoa học. Lúc này họ nhận ra mình nhỏ bé thế nào, và bắt đầu thấy ngợp, thấy tuyệt vọng, ở đáy của sự tự tin, phong độ của họ cũng sụt giảm vì họ trở lại với sự rụt rè, không dám bluff, không dám thin value bet. "Ngày trước mới chơi thì đánh toàn thắng, giờ biết chơi rồi thì đánh toàn thua" là một câu than vãn quen thuộc. Rất nhiều người từ bỏ giấc mơ theo đuổi con đường chuyên nghiệp vào lúc này, bởi poker không phải cái nghề đơn giản nhẹ nhàng vừa chơi vừa vui vừa có tiền như ban đầu họ ngây thơ nghĩ, hóa ra nó cũng khó, cũng đòi hỏi bỏ trí tuệ công sức như bất cứ nghề nào khác.

 

- Những người còn trụ lại được, sẽ từng bước bò dần lên trên triền đồi khai sáng. Từng bước, từng bước, càng học, họ càng ngộ ra một chút, hiểu thêm một chút, tự tin lên một chút. Rồi một ngày kia, có thể họ sẽ trở thành một chuyên gia thực sự. Họ sẽ tự tin trở lại, nhưng sự tự tin của họ đến từ kiến thức của họ, do họ đã chiến đấu để giành được nó một cách xứng đáng, chứ không phải sự tự tin đến từ ngộ nhận.

 

Diễn biến tâm lý miêu tả ở trên được khoa học gọi là hiệu ứng Dunning Kruger, và nó tồn tại trong mọi lĩnh vực, không chỉ trong poker. Những người biết một chút, giỏi hơn dân nghiệp dư chút xíu, chính là những người ảo tưởng nhất về bản thân, và rất dễ đưa mình vào hiểm nguy. Người biết lái xe được tầm một năm là những người dễ gây tai nạn nhất. Mấy thanh niên mới học võ là những người hùng hổ nhất. Người biết bơi tạm khá là những người dễ chết đuối nhất. Những người đã bể bankroll, nợ nần rồi dần biến mất trong làng poker là những người từng rất nổi sau khi hit được vài tour lớn nọ kia cách đây vài năm, chứ không phải những người chơi gà gà thua suốt.

 

Hiệu ứng Dunning Kruger cũng phổ biến ở những chuyên gia mới nhảy sang một lĩnh vực tay trái khác. Họ vốn là chuyên gia của lĩnh vực cũ, với vốn kiến thức, hiểu biết mà mình đã đúc kết được, đã chứng tỏ khả năng qua bao thử thách, nên họ rất tự tin. Họ tưởng rằng, với lĩnh vực mới, họ cũng giỏi như vậy. Dân poker chuyên nghiệp rất thích nhảy vào forex, crypto, phái sinh, sẵn sàng đầu tư hàng chục ngàn USD dù chưa qua trường lớp nào. Tổng thống Trump lão luyện kinh doanh, rất tin vào trực giác của mình đã được trui rèn qua hàng chục năm chinh chiến trên thương trường, nhưng tiếc rằng ông lại áp dụng mù quáng sự tự tin đó, trực giác đó vào lĩnh vực khoa học, y tế mà ông chỉ là tay mơ, thay vì lắng nghe chuyên gia, cố vấn. Người nổi tiếng trên mạng, các hot blogger rất thích nêu quan điểm, bình luận của mình một cách chắc mẩm, cực đoan về những lĩnh vực có khi chả ăn nhập gì với chuyên môn của họ (chẳng hạn bầu cử tổng thống Mỹ).

 

Chú ý, đây không phải vấn đề của trí thông minh. Không phải người nào bị dính sai lầm này là ngu ngốc, còn người thông minh sẽ miễn nhiễm. Hiệu ứng này phổ biến là do cấu tạo, cách nghĩ của não người, vốn chỉ thấy được những gì nó thấy trước mắt, chứ rất khó cảm được những gì nó không biết, nằm ngoài tri giác. Bất cứ ai cũng có những lĩnh vực nằm ngoài chuyên môn của họ mà họ đang ảo tưởng, chẳng hạn tưởng rằng mình hát hay (thế nên mới có vấn nạn karaoke kẹo kéo), tưởng rằng mình xinh đẹp duyên dáng khéo nói chuyện (người người nhà nhà đổ đi làm live stream, làm youtuber). Và khó khăn nhất là bạn không thể thay đổi cách nghĩ của họ, dù bạn có cố dùng lập luận, logic, phản chứng chi tiết, xác đáng thế nào. Đừng tranh cãi về poker với một người chưa từng nghe đến khái niệm equity, đừng cố thuyết phục một người rời bỏ mạng đa cấp Bitconnect nếu họ còn chẳng biết blockchain là gì. Cái quan trọng hơn với mỗi chúng ta là tự bảo vệ mình trước hiệu ứng Dunning Kruger. "Trước khi tìm cách tranh luận với một thằng ngu, hãy đảm bảo đối phương đang không làm điều tương tự". Tập lắng nghe ý kiến trái chiều, những góc nhìn đối lập.

 

Trước khi đưa ra một luận điểm, hãy thử tự phản bác lại luận điểm đó hết sức có thể. Hãy dùng đến thống kê, dữ liệu, phần mềm để có được đánh giá khách quan nhất về khả năng thực sự của mình. Bất cứ khi nào bạn thấy mình suy nghĩ "hoàn toàn chắc chắn", "tôi khẳng định", "không nghi ngờ gì", "tôi không thể sai", đó là lúc bạn nên bắt đầu hoài nghi về chính mình.

 

Vậy có thể bạn và tôi:

- TA VÔ THỨC KHÔNG BIẾT, NHỮNG ĐIỀU TA KHÔNG BIẾT

- TA Ý THỨC BIẾT, TA KHÔNG BIẾT ĐIỀU GÌ

- TA Ý THỨC BIẾT, TA BIẾT LÀM GÌ

- TA VÔ THỨC BIẾT, TA BIẾT LÀM GÌ

- ... VÀ RỒI TA LẠI VÔ THỨC KHÔNG BIẾT, NHỮNG ĐIỀU TA KHÔNG BIẾT

BẠN BIẾT MÌNH ĐANG Ở ĐÂU TRONG QUÁ TRÌNH HỌC HỎI VÀ ĐI ĐẾN THÀNH CÔNG?

 

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết