MỘT NGÀY CỦA PRODUCT OWNER TẠI MỘT TRONG NHỮNG STARTUP “KỲ LÂN” MẢNG FINTECH TẠI VIỆT NAM SẼ THẾ NÀO?

Product Owner nằm trong top các "hot job" xu hướng của kỷ nguyên Công nghệ số - bạn có tò mò công việc cụ thể của một Product Owner sẽ thế nào? Cùng đọc chia sẻ trải nghiệm thực tế "một ngày làm Product Owner" tại MoMo dưới đây nhé!

Chào các bạn, mình là Phượng, hiện tại mình đang là Senior Product Owner tại MoMo!
Trước khi vén bức màn bí mật, mình muốn “note” một xíu: bài viết hoàn toàn dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm cá nhân nên sẽ có đôi chỗ hơi “this that”. Mong rằng bài viết sẽ phần nào đó mang đến cho các bạn cái nhìn cận cảnh hơn về ngành, cũng như những người trong ngành nha.

Ok, xắn tay áo vào việc thôi!
Ở MoMo, tụi mình bắt đầu một ngày năng lượng và hiệu quả lúc 9:00 sáng. Thật ra công việc của tụi mình khá đa dạng nên ở đây mình sẽ liệt kê các đầu mục quan trọng và có tần suất lặp đi lặp lại nhiều nhất thôi nhé.

1. Check mail
Một chiếc “keyword” quen thuộc của rất nhiều ngành nghề, và dĩ nhiên, PO, người mang sứ mệnh kết nối, chắc chắn không thể trốn chạy khỏi định mệnh này. Tụi mình check mail để:
- Cập nhật những thông tin nội bộ quan trọng (ví dụ như cập nhật chính sách, những chương trình đào tạo nội bộ, giới thiệu dịch vụ mới….)
- Cập nhật những yêu cầu mới của các bộ phận về sản phẩm/dự án: diễn giải một cách đơn giản nhất là xem có thêm task mới hay không và task mình có thay đổi hay không

Thật ra, thời điểm check mail hằng ngày sẽ không cố định, nhưng cách mà mình thường áp dụng là check mail khi mình có đủ thời gian (ít nhất 30 phút) và năng lượng để phản hồi. Việc này giúp mình gộp nhóm công việc (check + reply mail) nên tránh được việc miss hoặc quên phản hồi email. Dĩ nhiên, nếu có những topic quan trọng thì việc check mail luôn được ưu tiên.

2. Meeting/Call
Hiện tại công ty mình đang áp dụng Hybrid Work nên sẽ tuỳ vào dự án cũng như team mà tụi mình sẽ meeting tại văn phòng hoặc online.

Riêng về meeting thì có các biến thể:
- Daily: PO tụi mình cũng có daily riêng, để sync-up công việc với nhau; đối với một vài dự án thì tụi mình sẽ cùng daily với “Scrum Team” để cập nhật tiến độ luôn
- Weekly: đây là hình thức khá phổ biến (đối với mình) để cập nhật thông tin về dự án với các team liên quan, từ các team thuộc khối business, đến product và operations; đây cũng là những buổi họp giúp PO nhìn rõ hơn về bức tranh chung mà các team đang cùng vẽ, ví dụ: tính năng của tụi mình đã thực sự giúp CS giảm được workload như thế nào, phía business đang gặp vấn đề gì khi triển khai sản phẩm, …

Tuy không thường nhật nhưng tầm mỗi 2 tuần tụi mình sẽ có thêm các buổi họp:
- Grooming/Planning/Review
: đoạn này chắc là quen thuộc với nhiều bạn biết đến Agile rồi nên mình sẽ không nói thêm nha.
- Suddenly: tức là những buổi họp phát sinh theo nhu cầu, thường là:
o Tiếp nhận, phân tích yêu cầu: tụi mình sẽ ngồi lại cùng các stakeholders để lắng nghe những câu chuyện về nhu cầu, thị trường, và định hướng; trong những buổi họp này PO cần là một listener chuyên nghiệp, vì tụi mình cần nghe để thấu hiểu “nỗi đau thầm kín” và đặt câu hỏi thích hợp để stakeholders trải lòng.
o Trình bày, thảo luận về giải pháp: đây chính là showtime của PO, tụi mình trở thành speaker chính hiệu, dùng hết tất cả kinh nghiệm thuyết trình ở đại học để truyền tải giải pháp của mình thông qua flows (user flows, flow charts, swimlane diagrams và đôi khi là sequence diagrams), wireframes, hoặc có lúc là mock-up, prototype cho các stakeholders.

Để họp-không-hành, mình luôn cố gắng:
- Chuẩn bị trước buổi họp: tìm hiểu trước về vấn đề, hoặc thông báo trước nội dung họp cho các team
- Tập trung cho những buổi họp (ở mức nhiều nhất có thể)
- Viết lại meeting notes (dù có thể chỉ là người tham dự nhưng mình vẫn viết meeting notes)
- Thẳng thắn trao đổi để invite đúng, đủ member và hạn chế những buổi họp ngẫu hứng

3. Vẽ wireframes
Với vai trò là PO, hầu hết giải pháp mà tụi mình đưa ra sẽ ở dạng wireframe. Đối với mình, đây là lúc thăng hoa trong công việc vì mình sẽ phải đi từ cái vô hình (nhu cầu/vấn đề) đến cái hữu hình (tính năng/sản phẩm). Đó là một cảm giác hết sức mãn nguyện luôn á.

Đây là cũng lúc mình có dịp làm việc với rất nhiều anh, chị, em nhiệt huyết và tài giỏi thuộc rất nhiều phòng ban:
- Mình hỏi xoáy đáp xoay với các bạn PO khác về các nhìn nhận vấn đề và giải pháp mình đang làm
- Mình ngồi lại với các bạn làm data, nhờ các bạn hỗ trợ lấy số liệu để kiểm định những giả định của mình
- Mình tâm sự với team design để được tư vấn thêm về những bài toán UX lắc léo
- Mình call nhanh với các anh Dev để check vài vấn đề liên quan đến kỹ thuật
- …
Có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, mình cũng học được nhiều tips và mindset từ các lĩnh vực chuyên môn khác, gián tiếp làm giàu cho hành trang Product Development của mình luôn, chưa kể đến việc tìm thấy tâm giao trong việc nữa.

Về công cụ thì một nửa trái tim dành cho Xd, một nửa còn lại dành cho Figma và gần đây là FigJam. Ngoài ra trong hộp đồ nghệ của mình còn có Draw.io, một chút Visio, một chút Balsamiq và chắc chắn không thể thiếu sổ tay.

Thật ra mình nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi chọn một công cụ là công cụ đó có thể giúp bạn truyền tải ý tưởng hiệu quả nhất có thể. Cho nên, nếu chỉ cần trình bày với PO trong team thì mình sẽ phác hoạ tay cho nhanh mà vẫn đảm bảo mọi người hiểu mình muốn làm gì. Còn khi cần trình bày với nhiều team, mình sẽ chọn Figma, vì đây là quen thuộc với hầu hết MoMoers.

4. Viết tài liệu
Đối với mình, đây là thời điểm tĩnh tâm. Nếu ở đoạn làm wireframe, mình đã để sức sáng tạo được bay nhảy tự do thì đến đoạn ngồi lại nắn nót từng dòng rule, mình cần điềm tâm và minh mẫn hết sức có thể.

Đối với mình, docs cần thoả mãn 2 yêu cầu:
- Team Dev + QC hiểu đúng và đủ về requirement đối với sản phẩm/tính năng
- Có những requirement quan trọng, không thể thiếu (nhất là khi bàn giao dự án), hạn chế “docs sống” (tức là những rule không được record bằng tài liệu)

Thật ra docs cũng là tài liệu để giúp PO tụi mình truyền tải ý tưởng, nên về câu chữ, cách trình bày thì dừng lại ở việc đọc có thể hiểu là ổn, không nhất thiết phải văn vẻ hay phô trương lắm đâu.
Ở đoạn này, chân ái của mình là Word và Confluence, hai công cụ này giúp mình tổ chức và quản lý tài liệu (mục lục, sơ đồ, bảng biểu) tương đối dễ dàng và hiệu quả. Lúc này mới thấy những năm tháng làm tiểu luận ở đại học là không hề uổng phí đâu á, vì một tài liệu có Heading, căn lề, sẽ luôn là điểm cộng giúp người đọc dễ tiếp nhận thông điệp hơn.

Trên đây chắc tầm khoảng 70-80% công việc hàng ngày của PO ở MoMo, những đầu việc khác thì sẽ đa dạng tuỳ vào position, role và team. Team mình thì xem việc phát triển chuyên môn là đầu task luôn, nên tụi mình cũng hay tổ chức sharing để cả team ngồi lại cùng chiêm nghiệm về 1 topic nào đó trong nghề. Mình cực kỳ thích idea này, vì thế giới luôn vận động, nên chỉ cần ngồi im thì tức là tụi mình đang đi lùi á.
Mong là những dòng chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành, cũng như có được cái nhìn chân thật về công việc của PO hơn nha.
Chúc bạn sẽ an yên, hạnh phúc và thành công!

__________________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

Các mentor có Chương trình mentoring cùng chủ đề

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết

Mã Tuyết Yến
Mã Tuyết Yến

2022-05-01 08:50:23

Bài chia sẻ rất bổ ích ạ