BUSINESS ANALYST VÀ PRODUCT OWNER KHÁC NHAU THẾ NÀO? Chia sẻ từ góc nhìn của người trong ngành (Phần 1)

Business Analyst (BA) và Product Owner (PO) đều lọt “top hot job” trong những năm gần đây của Kỷ nguyên số. Tuy nhiên không ít bạn chưa nhận thấy được sự khác nhau của hai nghề dường như “cùng cha khác mẹ” này. Vậy thì hãy cùng Mentori phân biệt BA và PO trong bài viết này nhé!

“BA và PO có giống nhau không?”
“PO liệu có nằm trong lộ trình thăng tiến của một BA?”
“Nghề nào ‘xịn’ hơn?”


Đó là những câu hỏi thường gặp của các bạn sinh viên trên hành trình tìm hiểu về hai công việc này. Vậy thì trước tiên, cùng tìm hiểu xem Business Analyst (BA) và Product Owner (PO) cụ thể là gì nhé!

Business Analyst là gì?
Business Analyst (BA) được dịch là “Chuyên viên Phân tích Kinh doanh” nhưng ở Việt Nam mọi người thường dùng cách gọi phổ biến hơn là “Chuyên viên Phân tích Nghiệp vụ”. Đúng như tên gọi, trách nhiệm chính của vị trí BA là phân tích và đánh giá toàn bộ quá trình kinh doanh của công ty để xác định vấn đề cần cải thiện, từ đó đề xuất hướng giải quyết cụ thể. BA có thể làm việc trực tiếp với khách hàng/stakeholder để nhận đóng góp ý kiến, sau đó chuyển thông tin về team nội bộ để xử lý. Ngoài ra BA còn đảm nhận vai trò viết và quản lý tài liệu kỹ thuật.

Để hiểu hơn về nghề Business Analyst, bạn có thể tìm đọc chia sẻ từ Mentor Nguyễn Thị Thu Trang - Product Manager tại Mentori Vietnam, Senior Product Owner tại One Mount Distribution tại đây nhé!

Product Owner là gì?
Theo chia sẻ từ anh Nguyễn Đức Đông Hiếu, Product Owner tại Chợ Tốt, vị trí Product Owner (PO) là “người ‘sở hữu’ sản phẩm”. Họ chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề của end-user, từ đó vận hành và cải tiến sản phẩm để đạt được mục tiêu kinh doanh của công ty.

Dù ở công ty product hay công ty outsourcing thì Product Owner cũng là nhân tố quan trọng nhất quyết định đến các tính năng của sản phẩm. Họ phải có tầm nhìn dài hạn, phải hiểu rất rõ về sản phẩm của mình và luôn đặt mình vào vị trí của end-user trước khi đưa ra quyết định.

Đọc thêm về khái niệm Product Owner tại đây!

Vậy thì BA và PO khác nhau ở điểm nào?

Cùng lắng nghe chia sẻ từ chính người trong ngành - anh Phát Võ, Senior Product Manager tại Grab nhé!

“Nhiều bạn nghĩ là BA thì có thể qua làm PO được luôn, và ngược lại làm PO thì chắc chắn làm được việc của BA. Lại có nhiều bạn bè mình nói chuyện thì cho rằng thôi, tao muốn đổi từ BA sang làm PO vì nghe đâu làm PO nhàn hơn (!) mà lại lương cao hơn (!). Vậy thì mấy suy nghĩ đó có đúng không? Sao cứ phải rạch ròi khái niệm làm gì trong khi hai cái này “same same” nhau?

Trước hết mình đi một vòng xem nó giống nhau ở đâu. Chính vì có nhiều điểm giống nhau quá nên mới tạo sự lầm tưởng là “scope” và tính chất công việc của hai bên giống nhau. 

1. Đầu tiên là những người mình làm việc cùng
Cả BA hay PO đều là cầu nối giữa user/stakeholder và development team (tạm hiểu là mấy anh chị Dev hoặc QC). Không phải đơn thuần là làm việc cùng thôi, mà phải nói là làm rất rất gần gũi, không những là hiểu mà còn phải đồng cam cộng khổ cùng user và team. 

2. Thứ hai là đều làm việc với requirement (yêu cầu nghiệp vụ)
Phải đi từ bao quát đến chi tiết, gọi là làm requirement, sao cho dễ hiểu, thể hiện đúng yêu cầu, team dev nghe xong phải hiểu và làm đúng cái mình mong đợi. Rồi phải quản lý tài liệu, cập nhật document sao cho dễ tìm, sau này não có rớt thì kiếm lại để nạp vô được.

3. Tiếp nữa là tập trung vào việc “product delivery”, nói cho dễ hiểu là làm sao hiện thực hóa được mấy yêu cầu ở trên. Làm gì làm, cái kết quả làm ra mới là quan trọng, có đảm bảo các yếu tố về thời gian, chi phí và chất lượng hay không.

4. Kế, là về quy trình software development life cycle. Cả hai đều rất tinh thông quy trình và nghiệp vụ, code xong rồi tới test, test có UAT có production, rồi từ Scrum đến Kanban ra sao chắc cũng không cần phải nói quá nhiều.

5. Cuối cùng là về kỹ năng mềm. 
Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng đặt câu hỏi, meeting note, bla bla… Thậm chí là tiếng Anh cũng phải lưu loát để dễ làm việc. Và còn nhiều hơn thế nữa.

Tiếp theo là câu chuyện hai nghề này khác nhau ở điểm nào.

1. Cái dễ thấy nhất là tính chất công ty. Đa phần (chỉ là đa phần thôi nha) là BA sẽ làm việc ở các công ty outsourcing (cung cấp dịch vụ phân tích nghiệp vụ) còn PO thì làm ở các công ty sản phẩm (tự phát triển sản phẩm của công ty).

Công ty outsourcing họ phải đi kiếm dự án về, kiếm càng nhiều càng tốt. Mỗi dự án mỗi khác nhau, mỗi dự án là một khách hàng (người trả tiền cho cty để làm dự án mà họ mong muốn như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý bán hàng, ERP, vân vân). Mấy phần mềm này làm xong có thể họ tự xài cho nội bộ (ví dụ mấy bệnh viện hay ngân hàng hay thuê công ty outsource để viết phần mềm cho họ), hoặc họ đem sản phẩm này đi bán tiếp cho nhiều khách hàng khác nữa.

Outsourcing sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí, không phải nuôi một đội ngũ mấy anh dev hút lương như cá voi hút nước; vừa đỡ mất công tuyển, mà outsource lại là chuyên gia, họ sẽ đáp ứng nhanh chóng và chất lượng mấy yêu cầu này. Và mấu chốt chính ở chỗ này, công ty outsource họ cần người đứng ra “chuyển thể” mấy yêu cầu của khách hàng tới đội dev (vì không phải ông dev nào cũng nghe và hiểu hết một cách dễ dàng, nhất là mấy khách hàng thích chia động từ). Chưa kể, ông khách hàng kia, điều ổng nói ra chưa chắc là điều ổng thực sự muốn, mà có những cái ổng muốn thì ổng lại không chịu nói ra, nó chết con chim én ở chỗ đó. Lúc này chính là lúc mấy anh BA xuất chiêu. BA sẽ cực kì mạnh ở khúc này, ảnh khai thác khách hàng đến tận xương tủy, Khách hàng nói 1 ảnh hiểu tới 8, 9. Rồi ảnh bắt đầu làm bản vẽ, modeling, workflow, diagram, làm mockup prototype các thể loại, để cuối cùng anh hỏi anh Khách hàng, nè, phải cái này là cái mày muốn hông! Siêu cái nữa, là một anh BA ảnh có thể cùng lúc tiếp tới 3.14 lũy thừa N ông khách hàng cùng lúc, mấy anh BA dày kinh nghiệm còn nắm được Khách hàng trong lòng bàn tay, nhiều anh làm tốt tới nỗi Khách hàng khoái quá tuyển anh này về cty mình làm luôn.

Product owner thì khác, ảnh làm cho công ty về sản phẩm. Một cty sản phẩm có thể có một hoặc nhiều sản phẩm (Grab thì có Grab car, Grab bike, Grab food, etc..), một anh PO ảnh có thể ôm một hay nhiều sản phẩm là tùy theo sếp ảnh muốn sao và công ty trả lương thế nào.

2. Kế đến là hiểu thị trường. 
Đặc trưng của PO là ở chỗ này. Nhiệm vụ chính của anh PO chính là phải hiểu được cái sản phẩm mình đang làm cho thị trường nào, người dùng nào, thị trường đó muốn gì, cần cái gì, đối thủ có những ai. Để cuối cùng là phải đảm bảo được sản phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu, đem về lợi nhuận cho công ty. Khác với BA ở trên, chỉ có một Khách hàng (thường sẽ có 1 hoặc vài bạn đại diện đứng ra gửi yêu cầu), cái chữ thị trường ở đây cực kỳ rộng. Giờ ha, tui nói tui làm Chợ Tốt cho thị trường Việt Nam xài? Vậy ông nào tên Việt Nam? Giờ không lẽ đi hỏi hết 98 triệu dân? Lúc này, kĩ thuật của PO phải làm làm sao hiểu được 2 tiếng thị trường đó, ví dụ làm market research, quali/quanti feedback, phân tích đối thủ, đánh giá market size, persona, SWOT analysis.

Từ cái hiểu thị trường đó, sẽ dẫn tới việc hiểu người dùng. Trở lại ví dụ ở trên, BA sẽ phải quan tâm Khách hàng của mình là ai và ông nội đó thực sự muốn gì. BA có thể đi sâu vào việc hiểu vì sao Khách hàng của mình muốn cái đó, rồi từ đó thậm chí có thể tư vấn thêm giải pháp cho ông Khách đó.

Còn PO, ảnh phải hiểu end-user của anh đang gặp khó khăn gì, đâu mới là khó khăn hay nhu cầu cấp thiết nhất. Để làm được cái đó, ảnh phải lăn lộn làm user validate, chạy tới tận nơi ông end-user sống và làm việc, để ngoài việc lắng nghe feedback của họ, thì còn coi môi trường xung quanh ảnh hưởng đến họ như thế nào. Ví dụ vầy, để hiểu được một anh “Cò” đất, mình phải đi theo họ, xem họ suốt ngày lăn lộn ở mấy quán cafe, dang nắng dang nôi để tiếp Khách hàng… Chính những context đó sẽ giúp PO design được một giải pháp phù hợp và đúng đắn hơn cho end-user. Khác với BA, nói thiệt ảnh chỉ cần care có đúng yêu cầu của anh đại diện Khách hàng kia hay không thôi, còn làm ra có ai xài không, bao nhiêu người xài, vv… hỏng phải việc của ảnh. Có muốn quan tâm ảnh cũng không có thời gian, nhà bao việc.

3. Định nghĩa XONG (definition of done). 
Thời mình còn làm BA, xong có nghĩa là test tiết xong hết, làm demo cho khách hàng, khách hàng hài lòng, release lên môi trường production, xong, đi nhậu. Cứ như thế cuốn chiếu liên tục cho đến khi deliver được hết các yêu cầu của Khách hàng trong roadmap. Nhưng với PO, lúc release lên production, game mới chính thức bắt đầu. Vì sao? Vì thứ anh PO cần là outcome sâu khi cái sản phẩm đó release, bao nhiêu người xài, user bị drop ở bước nào, tỉ lệ adoption bao nhiêu, etc… Ảnh và team gần như phải monitoring liên tục mấy con số này, có fail cũng phải biết lý do tại sao fail, để từ đó tiếp tục revise tính năng cho tốt hơn. Đó là còn chưa kể, ảnh và team còn phải tính toán coi release như thế nào (Go to Market Strategy), làm sao để người dùng biết đến tính năng đó, làm sao và làm sao.

4. Scope. 
Cũng như BA, PO cũng quản lý danh sách các tính năng, quản lý backlog, quản lý roadmap. Tuy nhiên, khác nhau ở chỗ, nếu PO trong quá trình monitor kết quả của sản phẩm, ảnh thấy phát sinh một nhu cầu nào đó (ví dụ khách hàng cần thêm tính năng nhớ tài khoản ngân hàng), nhiệm vụ của ảnh là note cái đó lại vào backlog để xem có nên làm tính năng đó hay không… Còn BA, mục tiêu là đáp ứng đúng scope của Khách ảnh muốn, nếu có phát sinh thêm tính năng mà ảnh nghĩ là cần, thì cũng không được làm (ảnh có thể hỏi Khách hàng xem có muốn làm không thì được). Vì sao? Khách hàng của công ty ảnh chỉ trả tiền cho đúng cái họ yêu cầu. Kinh nghiệm của mình, nhiều khi team mà thấy ngứa mắt với tức mình quá, làm luôn, anh khách hàng ảnh sẽ chửi một trận, “không yêu cầu mà sao làm” ?!?

Nói tóm lại, BA thì mục tiêu là làm sao deliver được kết quả như Khách hàng mong muốn, đảm bảo được các tiêu chí về time-scope-cost. Còn nhiệm vụ của PO là làm sao cho sản phẩm của ảnh đáp ứng được nhu cầu của thị trường mà sản phẩm đó đang nhắm tới.

Và trả lời cho câu hỏi ở đầu bài viết, nghề nào “xịn” hơn. Thưa rằng, nghề không xịn, quan trọng là người làm nghề có xịn hay không. Nếu bạn mê BA, hãy theo đuổi nó tới cùng, và PO cũng vậy. Nếu bạn đang làm BA mà nghĩ PO ngon hơn, xong qua công ty product làm đúng như scope của một BA thì thật sự cũng không tới đâu, bạn chỉ là một BA cô đơn trong công ty product.

Nhiều đàn anh đàn chị của mình, theo nghiệp BA bao nhiêu năm trời, giờ nhìn cực kì đáng ngưỡng mộ, có tiếng tăm trong giới, lương cao, biết rất nhiều domain knowledge, được đi bao nhiêu nước từ Mỹ tới  u. PO thì được làm và theo đuổi đúng một field mình thích. Thị trường việc làm và cơ hội thăng tiến của 2 jobs không thua gì nhau (cả BA và PO đều ra làm CEO hay founder được).

Và nếu bạn đang cân nhắc nhảy từ cái này qua cái kia, hãy luôn đặt câu hỏi vì sao mình muốn nhảy, bạn sẽ tự trả lời được.

P/s: bài viết dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Phát từng có 2 năm làm BA cho một công ty lớn, và khoảng hơn 7 năm làm về product. Rất welcome bạn bè feedback hoặc bổ sung hoặc chỉnh sửa nếu Phát sai điều gì nha.”

Hy vọng bài viết hữu ích cho các bạn!
Nguồn: Tổng hợp

__________________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

Các mentor có Chương trình mentoring cùng chủ đề

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết