BUSINESS ANALYST (BA) LÀ GÌ? Chia sẻ từ góc nhìn của người trong ngành

Business Analyst được nhắc tới khá nhiều trong những năm gần đây - trở thành xu hướng lựa chọn ngành nghề mới của các bạn trẻ trong kỷ nguyên số. Vậy thì chính xác, Business Analyst là nghề gì mà lại “hot” tới vậy?

Hi, mình là Trang, hiện là Product Manager của Mentori, 4 năm kinh nghiệm Business Analyst trong ngành E-commerce và 2 năm kinh nghiệm Product Owner tại One Mount Distribution. Con đường làm sản phẩm đến với mình thực sự là một kiểu nghề chọn người :D, nhận thức được những khó khăn của các bạn trẻ Việt Nam khi bước đầu tiếp cận con đường mới mẻ này, mình sẽ cố gắng chia sẻ đầy đủ những điều hay ho mình đã học được.

Là một trong những mentor đầu tiên trên Mentori trong lĩnh vực Business Analysis, câu hỏi mà mình được nhiều sinh viên/fresh graduate hỏi nhất là “BA là làm gì ạ?” hoặc “Em có đọc trên mạng thì BA là abc xyz nhưng em cũng không hiểu lắm…”. Ban đầu mình cũng khá ngạc nhiên, vì thiết nghĩ các bạn đặt lịch với mình ít nhất phải tìm hiểu trước ngành này làm gì và nắm được cơ bản về nó trước khi đặt lịch với một mentor để nói chuyện chuyên sâu về ngành.

Nhưng khi đặt mình vào tâm thế của các bạn và thử google từ khóa “Business Analysis là gì”, mình cũng đã biết phần nào lý do vì sao các bạn đọc hoài vẫn không hiểu. Trên khắp các trang web là các định nghĩa như:
“phân tích nghiệp vụ”;
“là người đứng giữa, kết nối khách hàng với bên kinh doanh và đội kỹ thuật của doanh nghiệp”
“kỹ sư cầu nối”

Cá nhân mình thấy những định nghĩa này không sai, nhưng không đủ đơn giản và khái quát để giúp những người không biết tí gì về ngành này hiểu được.

Vậy thì Business Analysis là làm gì?
Ngắn gọn thôi, business analysis “tìm ra vấn đề và giải pháp cho vấn đề đó”. Nếu các bạn vẫn còn hoài nghi vì thấy định nghĩa này quá đơn giản, thì hãy thử chiết tự từ business analysis. Thực ra bản thân từng chữ trong từ này đã nói lên ý nghĩa của nó.

Theo từ điển Oxford, “business”, ngoài việc là “the activity of making, buying, selling or supplying goods or services for money”...blah, còn là “important matters that need to be dealt with or discussed”. Còn “analysis” là gì thì chắc mình không cần phải giải thích quá nhiều nữa.

Vậy đến đây chắc có nhiều bạn sẽ bảo, nếu thế thì ai cũng đang làm công việc business analysis, ai cũng là business analyst? Và BA cũng không phải là một công việc chỉ có trong ngành IT?

Thì quả thật vậy, theo định nghĩa của International Institute of Business Analysis (IIBA)
“A business analyst is any person who performs business analysis activities, no matter what their job title or organizational role may be.”
(https://newisconsin.iiba.org/what-business-analyst)

Vì vậy khi đọc thông tin tuyển dụng, các bạn có thể bắt gặp rất nhiều title khác nhau cho những người làm công việc này như: business systems analysts, systems analysts, requirements engineers, process analysts, product managers, product owners, enterprise analysts, business architects, management consultants…blah blah rất nhiều và trong phạm vi mục tiêu của bài viết này các bạn cũng không cần thiết phải nhớ hết đống title đó.

Trở lại vấn đề, vậy thì cụ thể một Business Analyst (mà các doanh nghiệp ngoài kia đang tuyển) sẽ cần làm những gì, với ai, mời các bạn xem sơ đồ sau:

Trong sơ đồ này, vấn đề mà BA cần giải quyết chính là Business Objective của doanh nghiệp đó. Và làm sao để hiểu và tìm ra Solution cho doanh nghiệp? BA cần làm việc với các Stakeholder.

Stakeholder là ai? Nói ngắn gọn họ là những người có lợi ích trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp đó do đã đầu tư tiền hoặc công sức vào nó.

Vậy sau khi tìm được Solution rồi thì đã xong chưa? Chắc chắn là chưa rồi, BA cần phải triển khai giải pháp tìm được cho doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp đó đến một tầm cao mới… chính xác hơn là thay đổi hiện trạng của doanh nghiệp.

Vậy thì sản phẩm của BA là gì?
Là bất cứ điều gì có thể giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp… Là một quy trình mới phục vụ cho một loại hình kinh doanh mới được triển khai. Là một hệ thống để cho nhân viên sử dụng trong nội bộ để tăng năng suất làm việc… Cũng có thể là một/một vài file Excel do BA dựng sẵn để quản lý một danh sách các công việc nào đó… Nói đến đây chắc nhiều bạn có thể ngạc nhiên “Gì cơ, file Excel ấy ạ?”... nhưng thật sự Excel là một công cụ tiềm năng vô hạn. Mình đã từng tự tay xây một công cụ quản lý phòng khách sạn bằng Excel và Google Sheet và đội kinh doanh công ty mình đã dùng được tận nửa năm giời… chưa kể theo như mình biết, có vài người còn dùng Excel để vẽ nữa…

Tóm lại, nhìn vào những điểm trên ta thấy công việc của BA rất phong phú đa dạng và muôn hình muôn vẻ, đòi hỏi không chỉ tư duy logic mà còn khả năng làm việc với con người (inter-personal skills), khả năng quản lý dự án…, đặc biệt khi bạn làm ở những loại hình công ty khác nhau như là Consultant Company, Product Company hay Outsourcing/Service Company. 

Tại sao mình nói đến khả năng làm việc với con người, vì thật sự để đạt được mục tiêu cuối: hiểu, tìm ra vấn đề, đưa ra giải pháp và triển khai giải pháp, BA phải xử lý những loại công việc khác nhau và tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Chỉ nói về stakeholder đã có thể là rất nhiều người ở những vị trí khác nhau của doanh nghiệp, tùy thuộc vào vấn đề bạn cần giải quyết. Chưa kể đến khi triển khai giải pháp, bạn có thể phải làm việc với không chỉ chuyên viên thiết kế, lập trình viên, chuyên viên kiểm thử… mà còn các bộ phận nghiệp vụ khác nhau trong doanh nghiệp.

Vất vả là vậy nhưng thành quả nếu thực sự thành công của BA team thì có thể là một cuộc cách mạng đối với kết quả kinh doanh của công ty. Cũng vì vậy mà nhu cầu tuyển dụng BA của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng, và mức lương cũng ngày một cạnh tranh hơn so với các ngành khác…

Hơn nữa BA cũng là một nghề phù hợp cho những bạn ưa thử thách và thích giải đố, và có thể giúp bản thân dạn dĩ và trưởng thành hơn rất nhiều qua các loại trải nghiệm…

Hy vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn đã có thể hiểu “làm bi ây là làm gì”, và phần nào mường tượng ra được sự phong phú mà trải nghiệm BA có thể đem đến cho bạn. Trong bài viết tiếp theo, các bạn sẽ có cơ hội hiểu tường tận hơn về công việc cụ thể hằng ngày của một BA cũng như lộ trình phát triển của nghề này. Mong là các bạn sẽ có được những bài học mà mình cần.

Nếu có câu hỏi, thắc mắc về ngành, các bạn có thể kết nối với mình tại đây - hy vọng có thể giúp mọi người phần nào. Thank you for reading and see you later!

__________________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

Các mentor có Chương trình mentoring cùng chủ đề

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết