Đôi nét về nghề Business Analyst

Hello mọi người, mình là Linh, từng là cựu Business Analyst Team Lead ở Sotatek, 1 công ty rất có tiếng về mảng Blockchain (hiện thì mình đang thất nghiệp

Thực ra theo đúng định nghĩa thì BA mang nghĩa rất rộng, không hẳn là 1 vai trò cố định mà là một hệ thống các công việc từ việc xác định vấn đề cần giải quyết của doanh nghiệp, tới đề xuất, thực thi, theo dõi, đánh giá các giải pháp. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chỉ đề cập tới công việc BA theo nghĩa phổ biến nhất trong bối cảnh Việt Nam, đó là vị trí Phân tích nghiệp vụ trong 1 dự án công nghệ outsourcing.
-----------------------------------------------------------------------------
Trong một dự án công nghệ điển hình, thông thường khách hàng sẽ đặt ra một đề bài, một yêu cầu chung chung kiểu hiện tại đang quản lý công việc qua các file trên Drive, trao đổi qua Facebook/ Zalo …, hiện muốn nâng cao hiệu quả giao nhận, trao đổi công việc qua một hệ thống chung. Nhưng nếu chỉ mô tả sương sương như vậy thì team sẽ không thể dựng ra sản phẩm cuối để đáp ứng nhu cầu khách hàng được, vì khách hàng cũng thường khá mơ hồ về yêu cầu của chính họ. Đó chính là lúc BA thực hiện vai trò “phân tích” của mình, tổng quát thường gồm các đầu việc lớn sau:
(1) Phân tích và thống nhất Requirement: Vì yêu cầu của khách hàng nhiều khi khá mơ hồ nên BA sẽ cần nghiên cứu nghiệp vụ, “moi móc” (elicit) yêu cầu của khách, rồi tổ chức lại các yêu cầu đó (thường dưới dạng các tài liệu mô tả yêu cầu, hình vẽ mô tả quy trình …)
(2) Đề xuất và thống nhất giải pháp (ở đây là 1 phần mềm): Cụ thể hoá những yêu cầu của khách hàng bằng các mô tả chi tiết về hệ thống, thường dưới dạng các tài liệu thiết kế, Wireframe giúp khách hàng hình dung được một cách trực quan … Lưu ý rằng ở các bước đề xuất và chốt giải pháp này, cần trung hoà được giữa việc đáp ứng Requirement của khách hàng và việc đảm bảo team phát triển có thể dựng được hệ thống đúng như mô tả.
(3) Hỗ trợ team trong quá trình phát triển: Truyền đạt lại cho team về các chức năng trong hệ thống, xử lý các vấn đề phát sinh như mô tả thiếu trường hợp trong quá trình phân tích trước đây, theo dõi các yêu cầu mới của của khách hàng … Ngoài ra, tuỳ theo phạm vi công việc của từng công ty, BA có thể cần tham gia vào quá trình test sản phẩm trước khi bàn giao cho khách hàng, demo sản phẩm cho khách hàng, training khách hàng sử dụng hệ thống …
---------------------------------------------------
Để hoàn thành những công việc trên (và đôi khi là nhiều hơn cả những công việc trên), BA sẽ thường cần tới rất nhiều kỹ năng cả cứng và mềm, nhưng trong bài này mình tạm đề xuất 2 kỹ năng luôn hiện diện:
(1) Kỹ năng phân tích và tư duy logic để thấu hiểu Requirement, nghiên cứu được nghiệp vụ, sắp xếp các thông tin một cách hợp lý, từ đó cùng team tạo ra được các giải pháp cuối giúp giải quyết vấn đề cho khách hàng. Tư duy phân tích còn cần thiết những khi BA cần học các nghiệp vụ mới, thậm chí tư vấn ngược lại cho khách hàng để có sản phẩm cuối hoàn thiện hơn.
(2) Kỹ năng giao tiếp để làm việc với khách hàng và team phát triển nội bộ xuyên suốt vòng đời phát triển của dự án. BA sẽ cần phải giao tiếp rất nhiều, nhưng không phải chỉ giới hạn ở việc nói chuyện sao cho cuốn hút, cho “có muối”, mà trọng tâm của giao tiếp là để đạt được đến sự thấu hiểu và thống nhất giữa các bên, nên sẽ gồm rất nhiều kỹ năng nhỏ như lắng nghe, đặt câu hỏi, thuyết trình, viết văn bản, vẽ giao diện …
-------------------------------------------------------------------------
BA là một công việc rất thú vị, với phạm vi nhiệm vụ rất linh hoạt, và các dự án hầu như không bao giờ tẻ nhạt cả. Bên cạnh đó, BA cũng là một vị trí thường có lương thưởng khá ổn, và nhiều hướng phát triển như lên Senior BA, BA Manager, hoặc hướng rẽ như chuyển qua làm Project Manager, Product Owner, Sale … (phải note luôn là việc chuyển qua có thuận lợi không thì còn tuỳ nhiều yếu tố của các bên tuyển dụng cũng như thị trường).
Nếu các bạn muốn tìm tòi và thử sức với công việc BA, các bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
- Học thêm các kiến thức BA từ các nguồn khá chất lượng như blog thinhnote (thiên nhiều về task thực chiến) hoặc kênh Youtube Hai Lúa học Business Analysis (thiên nhiều về tư duy tổng quát)
- Thử thực hiện một số task của BA như vẽ quy trình nghiệp vụ, viết tài liệu, vẽ Wireframe … Những task này sau này cũng có thể đưa vào portfolio khi bạn đi ứng tuyển những công việc BA đầu tiên.
- Tham gia các khoá học. Hiện thì có rất nhiều khoá học trên thị trường, lời khuyên chung là hãy chọn 1 khoá học với 3 tiêu chí: (1) cung cấp được cho bạn cái nhìn tổng quát về nghề, (2) hướng dẫn bạn thực hiện ít nhất 1 project để làm portfolio đi tìm việc, (3) hỗ trợ bạn khi phát sinh câu hỏi trong và sau khoá học.
Chúc các bạn nhiều may mắn trên hành trình tìm hiểu và có thể là theo đuổi ngành nghề tuy thách thức nhưng cũng rất thú vị này nhé.

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết