Ở NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI LÀM NHỮNG CÔNG VIỆC GÌ?

Chào mọi người, tôi là Hà - Unit Manager của Manulife Viet Nam. Theo dòng sharing của các bạn mentor trong chương trình GRADUATE MENTORING - PAY IT FORWARD, tôi xin phép chia sẻ thêm về trải nghiệm công việc ở ngân hàng thương mại nhé.

Hồi mới tốt nghiệp trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, khoa Ngân hàng (loại giỏi), tôi cũng chưa hình dung hết công việc trong một ngân hàng gồm những loại công việc gì và mình thích hoặc phù hợp ở những công việc nào.

Thi tuyển và qua vòng phỏng vấn vào ngân hàng đầu tiên là VID Public Bank, hồi đó còn là liên doanh giữa ngân hàng BIDV và Public Bank Malaysia, (sau này phía đối tác mua lại và trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài), tôi được hỏi nguyện vọng và bước chân vào phòng thanh toán quốc tế.

Vào một thời gian ngắn mới biết phòng thanh toán quốc tế lúc bấy giờ bao gồm cả chuyển tiền trong nước và quốc tế, và bao gồm cả mảng nguồn vốn và kinh doanh ngoại tệ mà sau này khi ngân hàng phát triển thêm thì được tách ra thành một phòng riêng.

Sau đó tôi chuyển sang ngân hàng ING (của Hà Lan) mà sau khủng hoảng năm 1998 vài năm bị đóng cửa và lâu nhất là làm hơn 9 năm ở ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi, mà sau khi sát nhập với ngân hàng UFJ đã đổi tên thành MUFG.

Có lẽ tôi thích cách quản lý của các ngân hàng nước ngoài hơn và thời gian làm việc ở đây lâu hơn nên sẽ nói về các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước.

Nói ví dụ về ngân hàng MUFG, mặc dù ngay khi sát nhập, họ trở thành ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thế giới và ở Nhật Bản, họ cung cấp đầy đủ dịch vụ cho cá nhân và doanh nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, họ chỉ tập trung vào phục vụ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chỉ có 2 chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, không phục vụ khách hàng cá nhân. Có lẽ muốn thâm nhập vào thị trường bán lẻ sâu hơn nên họ đã đầu tư vào ngân hàng Vietinbank để tìm hiểu thị trường trước khi chính thức quyết định có đầu tư thêm mảng phục vụ khách hàng cá nhân hay không.

Một ngân hàng “bán buôn” như MUFG thường không quá đông nhân viên như các ngân hàng “bán lẻ” khác như ANZ trước đây hoặc HSBC, Citibank. Các công việc được chia thành 4 mảng lớn. (1) là bộ phận CBD – Corporate Banking bao gồm các RM (Relationship Managers) làm việc trực tiếp với khách hàng Nhật. (2) là bộ phận Treasury (Nguồn vốn) thực hiện các giao dịch đảm bảo nguồn để cho vay hoặc đi gửi liên ngân hàng nếu dư tiền gửi và mua bán ngoại tệ, phần lớn phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng. (3) là bộ phận Back Office (Operations) bao gồm mở tài khoản, tiền gửi, dịch vụ chuyển tiền, thanh toán quốc tế (LC và chứng từ), quản lý tín dụng (Loan Administration) và nghiệp vụ nguồn vốn, (4) là các bộ phận khác như Accounting (Kế toán), Legal (Pháp chế) và Compliance (Tuân thủ), HR (nhân sự) và Administration (hành chính). Khi ngân hàng mở rộng thêm thì có một số bộ phận Middle Office như Risk Management (quản trị rủi ro) và Planning (kế hoạch).

Với các bạn thích các con số và chịu được áp lực làm việc tập trung và quyết đoán nhanh, có thể đăng ký vào phòng Treasury. Phòng này gần như ít khi phải làm việc ngoài giờ vì các giao dịch với thị trường liên ngân hàng có thời gian gian “cut off time” rất sớm. Tuy nhiên yêu cầu đầu vào cũng thường rất cao.

Với các bạn năng động, thích giao thiệp và kết nối các mối quan hệ thì có thể ứng tuyển vào Corporate Banking làm RM. Phòng này ngoài kiến thức về tài chính doanh nghiệp ra thì thường cũng yêu cầu ngoại hình chút chút, tùy quan điểm của từng người tuyển dụng vào từng thời điểm khác nhau.

Các bộ phận Operations thường hay có nhiều vị trí tuyển dụng hơn và thường tuyển các bạn trẻ mới ra trường. Cũng thường thấy một số bạn trẻ sau khi làm ở Operations xuất sắc và có nguyện vọng sẽ được luân chuyển sang CBD hoặc Treasury. Back Office thì thường vô cùng bận rộn, hay phải làm việc ngoài giờ, đặc biệt là tuần cuối tháng.

Các bộ phận còn lại thì thường không quá đông nhân viên và tương đối ổn định nên sẽ tuyển dụng khi có vị trí trống hoặc khi ngân hàng mở rộng.

Tôi cũng có thời gian 2 năm làm việc tại ngân hàng trong nước (Techcombank). So với ngân hàng nước ngoài thì các ngân hàng cổ phần lớn của Việt Nam có mạng lưới giao dịch tại hầu hết các tỉnh thành và phục vụ cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Các phòng ban lớn ngồi tại Hội sở và đảm nhiệm các công việc chiến lược, chính sách. Chia thành các Khối theo mảng công việc như Khối Ngân hàng bán buôn (phục vụ khách hàng doanh nghiệp, trong Khối này có thể chia nhỏ hơn như Doanh nghiệp MNC – Multinational Corporation là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần…), Khối ngân hàng bán lẻ (phục vụ khách hàng cá nhân), Khối Nguồn vốn (TCB gọi là Markets), Khối sản phẩm, Nghiệp vụ, và các khối hỗ trợ khác như Pháp chế, Tuân thủ, IT, Kế toán…

Theo ngành dọc thì chia theo các chi nhánh lớn và nhỏ. Chi nhánh lớn sẽ phục vụ tất cả khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân và sẽ theo định hướng chính sách do các Khối ở Hội sở đưa ra. Về mặt thực thi thì sẽ có một số nghiệp vụ thực hiện hoàn toàn ở chi nhánh, nhưng cũng có một số nghiệp vụ chỉ được thực hiện một số bước ban đầu như scan chứng từ, sau đó gửi về Hội sở để thực hiện giao dịch chính, tùy cơ cấu và quy định của ngân hàng ở từng thời điểm.

Tùy thế mạnh và sở thích cũng như khả năng của từng bạn mà có thể ứng tuyển vào loại hình ngân hàng cũng như bộ phận phòng ban thích hợp. Có người sẽ may mắn được làm việc ở bộ phận yêu thích ngay từ đầu và gắn bó lâu dài. Có người sẽ đi từ các bộ phận hỗ trợ đến kinh doanh. Có người sau khi được luân chuyển qua nhiều bộ phận và chịu được áp lực tốt thì được được đề bạt dần lên các vị trí quản lý. Một số ngân hàng có chương trình quản trị viên tập sự, tuyển chọn đầu vào rất khắt khe nhưng các bạn này được coi như cán bộ quản lý nguồn, được đào tạo chuyên biệt và nếu ở ngân hàng nước ngoài thì được cử đi làm việc ở các chi nhánh khác nhau với các vị trí khác nhau để quay về Việt Nam sẽ đảm nhiệm những vị trí quản lý chủ chốt.

Ở bài viết này tôi chưa nói đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ có nhiệm vụ quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ và quản lý các ngân hàng thương mại cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc ngân hàng liên doanh tại Việt Nam… vì không có kinh nghiệm làm việc thực tế ở đây.

Chúc các bạn đã tốt nghiệp ngành ngân hàng, tài chính, kế toán, marketing, IT, luật… sẽ tìm được các công việc phù hợp cho mình tại các ngân hàng. Nếu muốn biết thêm chi tiết, các bạn cứ chủ động đặt lịch tư vấn với Hà tại đây

__________________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết