HỌC TIẾNG ANH NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Học tiếng Anh cho người mới bắt đầu nên xuất phát từ đâu? Trong bài viết này, anh sẽ chia sẻ với các em một vài kinh nghiệm cũng như tips để chinh phục ngôn ngữ này nhé!

Anh là Linh, hiện là CEO ILIAT School. Trong bài viết này anh sẽ chia sẻ các bí kíp tự học Tiếng Anh dựa trên kinh nghiệm của anh. Nếu còn điều gì thắc mắc về các kỹ năng mềm, các em có thể kết nối với  anh tại đây nhé!

______________________________________

"Vai trò của việc thành thạo tiếng Anh có lẽ không cần bàn cãi nữa: Những cơ hội học tập tốt, những công việc lương cao, những kiến thức cập nhật … đa phần đều yêu cầu tiếng Anh. Hay đơn giản hơn, rất nhiều bộ phim hay hay những show thú vị … đều được truyền tải qua tiếng Anh. Vì thế, chắc nhiều bạn sẽ quan tâm tới việc học tiếng Anh theo cách nào là nhanh và hiệu quả nhất.

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cho mọi người thấy bí kíp học tiếng Anh nhàn nhã siêu tốc đỉnh cao từ người Do Thái … không tồn tại. Không gì có thể thay thế việc bình tĩnh tích lũy nền tảng tiếng Anh trong hàng năm trời. Nhưng tin vui là các bạn chỉ có một chiếc Laptop/Smartphone và kết nối Internet thì bạn đều có thể luyện tới mức khá giỏi tiếng Anh, bất chấp xuất phát điểm từ đâu.

Một vài con số: Tính từ mức xuất phát điểm gần như không biết gì, nếu dành mỗi ngày khoảng 1 tới 1.5 tiếng thì sau cỡ 1 tới 1.5 năm, bạn sẽ xây dựng được một nền tảng tiếng Anh rất vững chắc (lượng hóa tương đối ở mức khoảng 5.0 IELTS hoặc 650 TOEIC). Sau đó, bạn có thể dành nửa năm tới 1 năm ôn luyện bậc cao hơn để đạt tới mức thành thạo tiếng Anh (ở mức khoảng 6.5 IELTS hoặc 900 TOEIC). Sau đó nữa, việc học tập và sử dụng tiếng Anh sẽ trở nên rất tự nhiên và thoải mái.

Bài viết này tập trung vào giai đoạn xây dựng nền tảng, nên mình sẽ nói kỹ hơn về cách học và xây chắc 3 nền tảng của tiếng Anh: (1) Ngữ pháp, (2) Phát âm và (3) Từ vựng.

1. Ngữ pháp

Thực ra ngữ pháp tiếng Anh không có nhiều chủ điểm (Suốt 7 năm học tiếng Anh từ lớp 6 tới lớp 12, các chủ điểm ngữ pháp được học về cơ bản là giống hệt nhau, các lớp phần lớn khác nhau ở chủ đề từ vựng thôi). Thêm một chút là kể cả những bài viết đọc trông rất nản với nhiều câu dài như các bài báo tiếng Anh hay các IELTS Reading cũng được hình thành dựa trên cùng một logic ngữ pháp.

Tài liệu học ngữ pháp tiếng Anh căn bản thì rất nhiều trên mạng, hoặc các bạn có thể tham khảo lại các cuốn kinh điển của tuổi thơ như Mai Lan Hương các kiểu. Hãy học chắc những chủ điểm sau:

- Các thì trong tiếng Anh, đặc biệt quan trọng là thì hiện tại đơn và quá khứ đơn

- Các loại từ (Danh từ, Động từ, Tính từ, Trạng từ, Giới từ) và cấu trúc một câu (các loại từ sẽ xuất hiện theo thứ tự nào để hình thành nên một câu hoàn chỉnh)

- Các cấu trúc câu đặc biệt: Câu điều kiện, Câu bị động, So sánh

- Các chủ điểm nâng cao để tiến lên chủ nghĩa xã hội, à lên tiếng Anh học thuật: Mệnh đề quan hệ và hệ thống liên từ (các từ nối chỉ sự tương phản, quan hệ nhân quả …)

Các bạn hoàn toàn có thể học từng chủ điểm trên một cách độc lập, nhớ học lý thuyết và làm bài tập minh họa song song. Một khi đã tương đối tự tin về hiểu biết ngữ pháp của mình, hãy thử một trong những bài tự đánh giá rất tốt, đó là phân tích được một câu dài thành nhiều phần giống như phân tích tiếng Việt lớp 5 (phần nào là chủ ngữ, đâu là vị ngữ, thành phần nào bổ nghĩa cho phần nào …).

2. Phát âm

Phát âm thì không quen thuộc với học sinh Việt Nam như ngữ pháp và từ vựng, vì suốt 12 năm học phổ thông hầu hết học sinh đều không được học phát âm chuẩn. Phát âm tốt sẽ không chỉ quan trọng trong việc nói mà còn rất hữu ích trong việc cải thiện khả năng nghe. May mắn là các quy tắc phát âm đúng thì cũng khá hữu hạn và có thể học thành từng phần nhỏ giống như học ngữ pháp. Một số hướng để các bạn có thể học phát âm:

- Tự học qua các chuỗi Video Youtube. 2 chuỗi tương đối phổ biến là của Rachel và BBC Learning English (đều có thể chọn phụ đề tiếng Việt cho dễ hiểu).

- Học với một gia sư. Cách này mình đề xuất nhất, vì thường sẽ rất khó tự sửa lỗi phát âm cho chính mình (kiểu mình hát thì tai nghe sẽ tự thấy hay ấy).

- Học một khóa phát âm tại các trung tâm tiếng Anh. Hiện các trung tâm quá nhiều rồi, việc tìm một lớp học rất dễ. Chỉ khuyên nhỏ là học phát âm thôi, đừng đóng tiền học lớp giao tiếp (lý do sẽ có trong một bài khác sau này)

Để tự đánh giá là mình đã phát âm tương đối vững, hãy thử đọc từng từ, sau đó tiến lên đọc câu và sau nữa là đọc được một đoạn văn hoàn chỉnh (Đọc theo văn bản có sẵn thôi nhé, chưa phải là tự nói vì kỹ năng nói yêu cầu nhiều thứ hơn là chỉ phát âm chuẩn).

3. Từ vựng

Khác với Ngữ pháp và Phát âm, từ vựng gần như không có biên giới. Chia sẻ một chút là cá nhân mình, sau khi đã đạt 8.0 IELTS, vẫn còn thấy rất nhiều từ vựng cũng như các cách diễn đạt cần phải nạp thêm và học hỏi dần. Tuy nhiên, lại tin vui, để đạt đến một mức độ từ vựng đủ dùng thì không cần quá vật vã với đủ các loại phương pháp nghe khá nản như đọc báo New York Times, BBC, hay chép chính tả từ VOA, hay tỏ ra hứng thú với đống bài nói TED Talks.

Mình đề xuất một cách học mình đã hướng dẫn thành công cho nhiều bạn, đặc biệt là các bạn đang hơi vô định không biết bắt đầu từ đâu, và cũng là cách chính mình áp dụng trước đây. Đó là hãy gắn mình hiểu thật sâu 1 nguồn học liệu duy nhất. Nguồn học liệu đó cần (1) đủ dài để gắn bó trong khoảng 2 – 3 tháng học, và (2) quan trọng hơn, phải gắn với sở thích của mình.

Tại sao? Đơn giản là vì việc học từ vựng sẽ tương đối nhàm chán: gặp từ mới, tra nghĩa, viết xuống một cuốn sổ/vở, và chỉ có việc học theo một tài liệu mà mình thích mới có thể cho các bạn đủ sự hứng thú và kiên nhẫn để theo đến cùng. Mình rất đề xuất việc các bạn sử dụng một nguồn học liệu mà mình đã biết rõ nội dung qua bản dịch tiếng Việt rồi, và xem lại một lần nữa với bản tiếng Anh.

Nhưng mà “học liệu”, nghe chán nhỉ. Lại là sách từ vựng hay bộ 300 bài đọc thiếu nhi? Không lo đâu, dưới đây là một số “học liệu” các bạn có thể tham khảo:

- Phim bộ. Phổ biến nhất sẽ là phim Mỹ, nhưng các bạn có thể xem cả phim Hàn/Trung/Nhật nếu có Sub tiếng Anh. Đừng đặt nặng việc nghe tiếng Anh ngay, mình đang học từ vựng trước nhất là theo mặt chữ và nghĩa đã. Nhân tiện, nên mua một tài khoản Netflix, rất giá trị so với giá tiền bỏ ra hàng tháng.

- Manga hoặc Anime, tất nhiên là bản tiếng Anh. Các bạn có thể xem miễn phí trên fanfox.net hoặc xem bản trả phí trên Shonen Jump hoặc Crunchyroll. Một số bộ quen thuộc với độc giả Việt Nam có thể là Doraemon, Naruto, Hunter x Hunter, Dragon Balls (7 viên ngọc rồng), Dragon Quest (Dấu ấn rồng thiêng) … À không, mình không phải Wibu đâu, mình hay tìm mấy bộ này cho mục đích giáo dục thôi.

- Game. Tất nhiên không phải các game Online tập trung nhiều vào hành động/đối kháng mà nên là loại Game nhiều chữ kiểu nhập vai (RPG), chiến thuật (RTS), thẻ bài (CCG). Hoặc một cách nữa là chuyển ngôn ngữ của các Game các bạn hay chơi sang tiếng Anh. Ờ, game cũng cho mục đích giáo dục thôi.

- Phim tài liệu (Discovery Channel, BBC). Từ vựng trong phim tài liệu thì hay và hàn lâm không cần bàn cãi, nhưng có thể sẽ hơi nặng với các bạn mới bắt đầu.

- Tài liệu chuyên ngành. Các tài liệu hay, nguyên bản và cập nhật nhất cho gần như tất cả các ngành đều được viết bằng tiếng Anh và cũng khá dễ tìm kiếm.

- Không nên chọn phim Sitcom vì nếu nền tảng chưa vững sẽ khó hiểu các joke trong phim, không nên chọn nhạc vì ca từ đôi khi sẽ bóp từ vựng/ngữ pháp để khớp với nhịp điệu.

Sau cỡ nửa năm tích lũy theo hướng này, mình đảm bảo khi quay sang các nguồn học liệu hoặc thậm chí là bài thi khác, bạn sẽ thấy mình tiến bộ rất nhiều. Các từ vựng bắt đầu lặp lại và các cấu trúc bắt đầu quen thuộc hơn, và các bạn sẽ ngày càng phải tra từ ít đi.

Đó là một vài chia sẻ của mình về quá trình học tiếng Anh, đặc biệt là với các bạn đang bị mất định hướng và mất tự tin với khả năng của mình. Nếu có ủng hộ, mình sẽ tiếp tục với những bài cho các nấc tiếng Anh cao hơn, ví dụ cụ thể như ôn thi IELTS chả hạn.

Chúc các bạn thành công với việc nâng cấp tiếng Anh của mình!

___________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

 

Đọc thêm các bài viết  khác về Kỹ năng mềm cho sinh viên

SOURCING – KỸ NĂNG VÀNG ĐỂ TÌM GÌ CŨNG THẤY

TƯ DUY PHẢN BIỆN – SUY NGHĨ CHÍN CHẮN GIÚP BẠN THÔNG MINH HƠN

CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN HAY QUẢN LÝ NÓ THẬT TỐT?

KỸ NĂNG ĐẶT CÂU HỎI - THẾ NÀO LÀ ĐẶT CÂU HỎI ĐÚNG?

PROBLEM SOLVING LÀ GÌ? TẠI SAO AI CŨNG NÊN BIẾT KỸ NĂNG NÀY?

CHÚNG TA ĐÃ LÀM VIỆC NHÓM HIỆU QUẢ CHƯA?

TOP 10 KỸ NĂNG MỀM SINH VIÊN CẦN BIẾT KHI ĐI THỰC TẬP

TỔNG HỢP CÁC KHÓA HỌC KỸ NĂNG MỀM MIỄN PHÍ (CÓ VIETSUB)

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết

Trang Pham
Trang Pham

2022-11-07 23:10:12

Mant thanks