VÌ SAO BẠN NHẮN TIN VỚI MENTOR/CÁC ANH CHỊ KHÓA TRÊN MÀ KHÔNG ĐƯỢC PHẢN HỒI?

Có nhiều lý do khi bạn liên hệ (nhắn tin,...) với mentor/các anh chị khóa trên mà không được phản hồi - nhưng về phía bạn, liệu tin nhắn bạn gửi có đủ thuyết phục để các anh chị trả lời và tạo cảm giác sẵn sàng dành thời gian để hỗ trợ bạn?

Bài viết là chia sẻ của chị Chi Nguyễn (The Present Writer)

Bản thân mình đơn thuần là một người hay viết lách, chia sẻ trên mạng chứ không phải ngôi sao hay người của công chúng gì hết, nhưng hàng ngày mình vẫn nhận được hàng chục, thậm chí hàng trăm tin nhắn của mọi người trên mạng xã hội. Mọi người nhận xét, góp ý, hỏi ý kiến tư vấn… về rất nhiều chủ đề. Cho tới thời điểm này, mình vẫn trực tiếp trả lời hầu hết các tin nhắn trên mọi nền tảng.

Khi nhận được phản hồi của mình, rất nhiều bạn nói: “Em nhắn rất nhiều người nhưng không hiểu sao không ai trả lời. Chị là người đầu tiên reply em”. Vì có thâm niên dạy học nên mình tương đối kiên nhẫn và tận tâm trong việc trả lời câu hỏi. Nhưng chân thành mà nói, có rất nhiều tin nhắn đọc xong mình thực sự không muốn trả lời hoặc không biết nên bắt đầu từ đâu. Có lẽ đó là lý do tại sao bạn nhắn rất nhiều mà ít ai hồi đáp chăng?

Dưới đây là một số lời khuyên của mình về văn hoá nhắn tin trên mạng:

1 - Đừng bao giờ gửi những tin nhắn không có nội dung cụ thể. Ví dụ: “Hi anh”, “Chị rảnh chat với em được không?”, “Em hỏi chút được không?”…Những người bạn muốn hỏi ý kiến/xin trợ giúp thường rất bận rộn, họ không dán mắt vào điện thoại cả ngày để check message, chat chit với người lạ. Vì vậy, bạn có câu hỏi nào thì nên vào đề ngay và nói cụ thể: “Chào anh/chị. Em là… Em biết anh/chị từ… Em có câu hỏi như sau mong anh/chị giúp trả lời…”.

Ngay cả khi bạn không có câu hỏi mà chỉ muốn tâm sự cá nhân. Bạn cũng nên viết hết ra, thay vì đợi phản hồi để nhắn tin qua lại như khi chat với bạn bè thông thường. Câu chuyện quá dài thì bạn có thể email thay vì nhắn tin.

2 - Đừng nhắn với teen code, từ viết tắt, ký tự khó hiểu. Đã bao nhiêu lần mình mở tin nhắn ra và không thể dịch nổi bạn viết gì vì quá nhiều teen code. Viết như vậy không chỉ gây khó hiểu mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người đọc. Mình có thể hơi bảo thủ trong vấn đề này một chút vì mình là người viết. Nhưng sự thật là không ai muốn trả lời một tin nhắn mà họ đọc không hiểu gì.

3 - Tìm hiểu kỹ trước khi hỏi. Trước khi nhắn hỏi ai điều gì, bạn nên làm một vài cú search nhanh xem họ đã nói về chủ đề này ở đâu chưa, mình có thể tự tìm thông tin ở đâu thay vì hỏi hay không… Bản thân mình làm nhiều nội dung ở nhiều nền tảng và mình cũng làm khá lâu rồi nên mình hiểu tìm kiếm thông tin tổng hợp không phải là dễ. Tuy nhiên, nếu mình mới đăng một video chia sẻ cách viết tiếng Anh hôm qua mà hôm nay bạn nhắn hỏi mình nội dung y hệt: “Chị chỉ em cách viết tiếng Anh tốt đi ạ” thì rất tiếc, mình không thể trả lời bạn.

Nhưng mình đánh giá cao và rất thích trả lời những bạn nói: “Em đã đọc bài của chị về chủ đề XYZ nhưng ý nhỏ này em muốn hỏi lại để nhờ chị làm rõ hơn…”; hay “Em có tìm kiếm trên trang của chị, nhưng hình như chưa thấy chị làm về đề tài này, chị có thể trả lời giúp em…”; hay “Em đã tìm kiếm Google nhưng thông tin chung chung quá, chị giải thích giúp em phần này…” Điều này chứng tỏ bạn đã làm “homework” trước khi hỏi xin ý kiến — một cách làm không lười biếng.

4 - Đề nghị có chừng mực. Mình từng nhận rất nhiều tin nhắn nhờ làm hộ bài tập về nhà tiếng Anh, biên tập hộ bài luận, gợi ý hộ đề tài viết bài trên lớp… Những đề nghị này không chỉ trái với đạo đức giáo dục của người làm nghề như mình mà còn khiến mình cảm thấy sao các bạn nghĩ người khác rảnh rang làm việc hộ cho bạn dễ quá vậy. Đó là còn chưa kể tới những lời đề nghị “kém duyên” như chia sẻ thông tin cá nhân (tuổi tác, cân nặng, hôn nhân…) hay yêu cầu người khác phải làm cái này, cái kia để phục vụ mục đích của riêng bạn. Những đề nghị qua tin nhắn (nhất là lần đầu) rất nên có chừng mực.

5 - Tôn trọng và cảm ơn vì thời gian người khác dành cho mình. Nếu ai đó dành thời gian bận rộn trong ngày của họ để trả lời tin nhắn, hỗ trợ bạn điều gì đó, đừng quên cảm ơn họ (kể cả khi chia sẻ của họ có giúp được bạn hay không). Đó là phép lịch sự tối thiểu ở trong mọi giao tiếp xã hội, online hay offline.

Mình hy vọng những chia sẻ ngắn này giúp bạn hiểu hơn về văn hoá nhắn tin trên mạng — nhìn từ góc độ của một người hàng ngày nhận rất nhiều tin nhắn (và luôn cố gắng trả lời nhiều nhất có thể).

Be Present,
Chi Nguyễn

Tìm hiểu thêm các bài viết về #Mentor, #Mentoring

MENTORING LÀ GÌ? TẠI SAO MỖI BẠN TRẺ ĐỀU NÊN CÓ 1 MENTOR?

TRONG ĐỜI AI CŨNG CẦN CÓ MỘT MENTOR

MỘT CUỘC “HẸN HÒ” VỚI MENTOR SẼ BẮT ĐẦU TỪ…?

LÀM SAO ĐỂ KẾT BẠN VỚI MENTOR TRÊN FACEBOOK?

LÀM SAO ĐỂ TÌM KIẾM MENTOR TRÊN GIẢNG ĐƯỜNG ĐẠI HỌC?

#FORMENTEE: CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ CHO MỘT BUỔI MENTORING HIỆU QUẢ

#FORMENTEE: VÀI TIPS CHO BẠN ĐỂ CÓ MỘT BUỔI MENTORING HIỆU QUẢ

GEN Z LÀM GÌ ĐỂ XÂY DỰNG VÀ GIỮ QUAN HỆ TỐT VỚI MENTOR?​

___________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

ĐĂNG KÝ NGAY ĐỂ KẾT NỐI VỚI MENTOR BẠN NHÉ!

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết