TƯ DUY PHẢN BIỆN – SUY NGHĨ CHÍN CHẮN GIÚP BẠN THÔNG MINH HƠN
Chào các em, chị là Mai - CEO, Co-founder tại GeoLink - The Digital 3D 4D Maps Technology. Bài viết này chị sẽ chia sẻ về một trong những kĩ năng quan trọng của thế kỉ 21 - Tư duy phản biện (critical thinking). Nếu các em có điều gì cần giải đáp, có thể kết nối với chị tại đây nhé!
Tư duy phản biện được định nghĩa đơn giản: là khả năng suy nghĩ rõ ràng và hợp lý, hiểu được mối liên hệ giữa các ý tưởng.
Một ứng dụng dễ thấy nhất của tư duy phản biện, là khả năng nhận biết tin giả (fake news) trong thế giới hiện đại ngày nay.
Về bản chất, tư duy phản biện đòi hỏi bạn phải sử dụng khả năng suy luận của mình. Để trở thành một người tiếp nhận thông tin tích cực, hơn là học thụ động, không thể ai đưa thông tin gì cũng tin là đúng ngay. Những người có tư duy phản biện sẽ xác định, phân tích, và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống, hơn là bằng trực giác hay bản năng.
Điều thú vị là, là con người, tất cả chúng ta đều có tư duy, nhưng phần lớn suy nghĩ của chúng ta bị thành kiến, bóp méo, phiến diện, không đầy đủ, do chúng ta chỉ tư duy dựa trên những trải nghiệm mà chúng ta có.
Ví dụ: chúng ta là người hướng nội, ưa làm việc một mình, và chúng ta thấy công việc phòng lab (thí nghiệm) rất hợp với mình. Từ đó khi đưa ra nhận định, lời khuyên, sẽ cho rằng với ai đó tính cách hướng nội, thích tập trung nghiên cứu thì sẽ hợp với công việc phòng lab (hoặc các nghề tương tự phải làm 1 mình như viết lách, lập trình, hoạ sĩ…). Tuy nhiên, đó là tư duy phiến diện dựa trên kinh nghiệm cá nhân, mà không biết rằng rất nhiều người hoạt ngôn, sôi nổi, ham gặp gỡ với con người khác, cũng hoàn toàn có thể thành công và hạnh phúc với những nghề trên.
Rất nhiều người trong số chúng ta nghĩ rằng, mình phải thông minh thì mới có thể tư duy phản biện được. Nhưng theo nghiên cứu của giáo sư William Klemm, nhà khoa học thần kinh, ĐH Texas, thì suy nghĩ phản biện sẽ giúp chúng ta thông minh hơn. Và tin vui là, tư duy phản biện có thể luyện tập được, dẫn đến, chúng ta có thể luyện để bản thân thông minh hơn.
Các chiến lược để luyện tư duy phản biện
1. Rèn luyện khả năng tập trung: Trong thế giới đa nhiệm ngày nay, chúng ta thường thiếu khả năng tập trung. Chúng ta rất dễ bị phân tâm vì quá nhiều yếu tố nhiễu. Đôi khi không có khả năng tập trung lắng nghe người khác, thấu hiểu cảm xúc và tâm tư của người khác. Vì thế, luyện tập khả năng tập trung, deep work (làm việc sâu, chìm đắm trong công việc) là một điều rất quan trọng.
Có nhiều phương pháp để luyện cách tập trung. Ví dụ:
- Ngồi trong một không gian không bị làm phiền
- Làm việc theo phương pháp quả cà chua Pomodoro (xin mời google)
- Dậy sớm làm việc buổi sáng
- Ăn con ếch trước (xin mời google)
- Đọc sách, hay làm những việc cần độ tập trung cao…
Tuỳ vào việc bạn hợp với cách thức nào thì duy trì luyện tập theo cách thức đó.
2. Rút ra kết luận từ bất cứ thông tin nào mình đọc được: bạn nào từng thi Ielts, sẽ thấy có bài viết task 1, đề bài đưa ra một hình vẽ, biểu đồ bất kì, và bạn phải viết, diễn giải nó ra thành một kết luận. Đó chính là hình thức cơ bản nhất của việc rút ra kết luận từ bất cứ tài liệu nào.
Sau này khi đi làm, có thể một ngày bạn sẽ phải đối mặt với một bản nghiên cứu thị trường, 300 trang, với hàng trăm bảng biểu và số liệu, bạn phải đọc hiểu và rút ra kết luận từ bản nghiên cứu đó, để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Hãy tập làm quen bằng cách đọc các báo cáo ngành mà bạn quan tâm, tập rút ra kết luận từ những bảng biểu tài liệu đó.
Ví dụ: 60% dân số nông thôn được phỏng vấn cho biết, họ có thu nhập tăng lên khoảng 20% trong năm qua, và 50% nói họ sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm tốt hơn. (kèm bảng biểu) Chúng ta rút ra nhận định gì từ số liệu trên?
3. Lập luận dựa trên bằng chứng: Đừng nhầm lẫn ý kiến (opinion) với thực tế (fact). Khi người khác đưa ra yêu cầu, hoặc ý kiến, đừng ngay lập tức tin và làm theo nếu như không có bằng chứng. Đồng thời hãy tìm cả những bằng chứng trái chiều, để có cái nhìn đầy đủ từ hai phía mới đưa ra quyết định.
Trong tiếng Anh có một cụm từ rất hay và đầy đủ đó là “well-informed decision” (quyết định dựa trên thông tin đầy đủ). Ví dụ: Bạn cần chọn một trường đại học để nộp hồ sơ, bạn tham khảo đủ các nguồn và có dữ liệu đầy đủ cả điểm cộng và điểm trừ của 3 trường mà bạn quan tâm. Lúc này, các dữ liệu không quyết định hộ bạn, mà dữ liệu chỉ giúp cung cấp thông tin, bạn sẽ phải lập luận và đưa ra lựa chọn dựa trên data đó.
Bạn có thể đọc thêm cuốn “6 chiếc mũ tư duy” để hiểu khi tiếp cận một vấn đề, cần có cái nhìn đa chiều (từ 6 góc nhìn), từ đó có quyết định chính xác và không cảm tính.
4. Đặt câu hỏi cho mọi thứ, và tự tìm ra câu trả lời. Tại sao cái máy lại thiết kế thế này. Tại sao nó phải to nặng thế. Có cách nào cho nó nhỏ gọn xách theo được không? Có giải pháp nào tốt hơn cho việc này không?...
Luôn tò mò và tìm cách tối ưu một công việc, nghĩ xem có thể có cách nào làm việc nhanh hơn không, hiệu quả hơn không, lười hơn không? Bill Gates đã từng nói rằng, ông luôn thích những người “lười” bởi vì họ luôn tìm cách giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, tốn ít thời gian hơn.
5. Đọc sách triết học ứng dụng. Một số ví dụ: phải trái đúng sai, tiền không mua được gì, phi lý trí, lẽ phải của phi lý trí, …Đây là những cuốn sách đòi hỏi bạn phải tư duy, nghĩ sâu vào tận cùng bản chất của các quyết định. Rất hay, các bạn nhớ đọc nhé.
Dù bạn đang đi làm hay đi học, người lớn hay trẻ em, thì tư duy phản biện cũng là một kĩ năng mềm đáng mơ ước. Nó giúp chúng ta:
- Đưa ra quyết định tốt hơn
- Rèn luyện tính tò mò
- Tạo nên những lập luận thuyết phục
- Suy ngẫm sâu sắc hơn về bản thân và cuộc sống
Tại sao các trường luôn lấy việc “rèn luyện tư duy phản biện” làm một USP (Unique selling points) để hấp dẫn người học? Tại sao các công ty tuyển dụng luôn đưa ra các câu hỏi, bài toán hóc búa để kiểm tra năng lực tư duy giải quyết vấn đề của ứng viên? Bởi vì đây là một kỹ năng quan trọng bậc nhất.
Trong một thế giới mà chúng ta được cung cấp thông tin gần như liên tục, khả năng suy nghĩ chín chắn có thể giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn đúng đắn.
__________________________________________
Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?
Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...
TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!
Tìm hiểu thêm về các kỹ năng mềm khác cho sinh viên:
SOURCING – KỸ NĂNG VÀNG ĐỂ TÌM GÌ CŨNG THẤY
CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN HAY QUẢN LÝ NÓ THẬT TỐT?
KỸ NĂNG ĐẶT CÂU HỎI - THẾ NÀO LÀ ĐẶT CÂU HỎI ĐÚNG?
PROBLEM SOLVING LÀ GÌ? TẠI SAO AI CŨNG NÊN BIẾT KỸ NĂNG NÀY?
CHÚNG TA ĐÃ LÀM VIỆC NHÓM HIỆU QUẢ CHƯA?
Các mentor có thể bạn quan tâm
2022-08-03 07:14:02
E cảm ơn những chia sẻ của chị ạ