TỔNG QUAN VỀ NGÀNH BUSINESS ANALYSIS

Business Analyst được nhắc tới khá nhiều trong những năm gần đây - trở thành xu hướng lựa chọn ngành nghề mới của các bạn trẻ trong kỷ nguyên số. Vậy thì chính xác, Business Analyst là nghề gì mà lại “hot” tới vậy?

Chào các bạn, anh là Vũ Mạnh Hà, hiện đang là Senior Business Analyst tại Positive Thinking Company. Kết nối với anh tại đây để cùng chia sẻ về ngành nhé!

Trong bài viết này, anh sẽ chia sẻ với các bạn cái nhìn tổng quan về ngành Business Analysis dựa trên những trải nghiệm trong ngành của anh - hy vọng bài viết hữu ích với mọi người!

1.1. CÁCH TIẾP CẬN
Trước khi nói về các kiến thức chuyên môn, điều đầu tiên mà anh muốn chia sẻ với các bạn, cũng là một kỹ năng mà anh cho rằng rất hữu ích mà mỗi chúng ta nên có, dù chúng ta có làm trong lĩnh vực nào đi chăng nữa. Kỹ năng đó gọi là xác định cách tiếp cận và phương pháp thực hiện. Tiếng Anh gọi là “Define approach and method”. Trước khi làm hoặc tìm hiểu một việc gì, hãy nghĩ xem nên bạn nên tiếp cận và thực hiện việc đó như nào.

Một cách tiếp cận sai sẽ khiến chúng ta tốn kém nguồn lực hơn rất nhiều so với một cách tiếp cận đúng, mà nhiều khi còn không đạt được kết quả tích cực hoặc như mong muốn. Thường thì để xác định được cách tiếp cận đúng đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm được đúc rút từ nhiều lần lựa chọn cách tiếp cận sai trong quá khứ. Bây giờ anh sẽ chia sẻ với các bạn về cách tiếp cận và phương pháp mà anh đã sử dụng để tìm hiểu về nghề Business Analysis.

Trong 3 năm đầu làm BA, anh được 2 người sếp hướng dẫn làm BA, nên anh không hề tìm hiểu gì về nghề cả, chỉ có on job training thôi. Đến năm 2020 anh mới bắt đầu tìm hiểu về nghề BA một cách bài bản. Khi tìm hiểu một việc gì, anh sẽ tìm hiểu về các khái niệm cốt lõi trước rồi mới tìm hiểu dần ra xung quanh để hiểu được bức tranh tổng thể. Có nghĩa cách tiếp cận của anh là tập trung vào cốt lõi, vào điểm trung tâm rồi mới lần mò rộng ra xung quanh, rồi kết nối các khái niệm lại thành một bức tranh tổng thể. Đồng thời anh cũng tiếp cận từ hiện tại trước rồi đến lịch sử và quá khứ của sự việc đó.

Về phương pháp thì cách làm của anh như sau:
Thường thì anh sẽ Google đầu tiên, dùng các từ khóa “là gì” như What is Business Analysis? What is Business Analyst? What is Product Owner? What is Agile? What is Scrum?
Anh dùng kết hợp cả từ khóa tiếng Anh và tiếng Việt. Nhưng thường thì anh dùng từ khóa tiếng Anh là nhiều hơn, vì sẽ tìm được các nguồn kiến thức chất lượng hơn.

Anh Google và đọc cực kỳ nhiều. Các bạn cũng nên chú ý phát triển kỹ năng đọc. Với anh đó là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với việc phát triển bản thân và sự nghiệp.
Trong quá trình đọc anh sẽ luôn đánh giá chất lượng và xếp hạng các nguồn cung cấp kiến thức. Anh sẽ tập trung khai thác top 3 nguồn cung cấp kiến thức chất lượng nhất, đặc biệt là top 1
Sau khi đã hiểu được cốt lõi, bản chất của sự việc thì bước tiếp theo anh sẽ tìm hiểu về lịch sử của nó. Nó đã ra đời và phát triển như thế nào để có được hình hài, trạng thái của ngày hôm nay.
Giờ sẽ đến phần chia sẻ về kiến thức. Nguồn cung cấp kiến thức mà anh đánh giá là chất lượng nhất là Babok và website iiba.org. Các thông tin anh chia sẻ trong phần 1 này hầu hết đều từ nguồn này.

1.2. BUSINESS ANALYSIS LÀ GÌ?
Business Analysis là hoạt động tạo điều kiện cho sự thay đổi trong doanh nghiệp bằng cách xác định nhu cầu và đề xuất các giải pháp mang lại giá trị cho các bên liên quan.
Chỉ có 22 chữ, nhưng với anh đây là định nghĩa chuẩn nhất về BA mà anh biết. Nó thực sự, cực kỳ sâu sắc. Anh chỉ có thể nói như vậy thôi. Để hiểu được nó chuẩn và sâu sắc thế nào thì chỉ có sau nhiều năm làm BA mới có thể hiểu được. Trong định nghĩa này có 5 từ khóa chính là: Change, Need, Solution, Value và Stakeholder; là 5 trong 6 khía cạnh nền tảng của mọi hoạt động Business Analysis. Business Analysis Core Concept Model (BACCM) này là model rất quan trọng mà một BA cần nắm vững và thực hành hàng ngày (xem hình ảnh của bài post).

Định nghĩa này theo anh đúng với công việc BA trong mọi lĩnh vực, từ việc làm product đến việc tư vấn, như làm IT Product, Product tài chính, Product tiêu dùng, ngành dịch vụ… tư vấn chuyển đổi số, tư vấn quản trị, tư vấn tài chính, tư vấn nhân sự… Lát nữa anh sẽ nói thêm về career path của BA.

1.3. VAI TRÒ CỦA BUSINESS ANALYST LÀ GÌ?
BA đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh việc thiết kế và cung cấp giải pháp phù hợp với nhu cầu của các bên liên quan.
Stakeholder, hay các bên liên quan trong lĩnh vực IT được chia làm 2 nhóm, nhóm Business hay nhóm Problem Initiation (khởi xướng vấn đề) và nhóm Technical hay nhóm Solution Development (phát triển giải pháp). Vai trò của BA là hiểu chính xác nhu cầu của nhóm Business, truyền đạt nhu cầu này và hỗ trợ nhóm Technical thiết kế và cung cấp giải pháp phù hợp với nhu cầu đó.

1.4. BA LÀM CÁC CÔNG VIỆC GÌ?

  • Babok hệ thống công việc của BA thành 6 nhóm và 30 nhiệm vụ
  • Lên kế hoạch và giám sát các hoạt động BA
  • Khám phá và hợp tác
  • Quản lý vòng đời của yêu cầu
  • Phân tích chiến lược
  • Phân tích yêu cầu và giải pháp
  • Đánh giá giải pháp

Xem chi tiết 6 nhóm công việc và 30 nhiệm vụ tại đây!

1.5. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGHỀ BA
Theo một bài viết trên iiba.org, được viết bởi chủ tịch của IIBA Chapter tại Bangladesh, thì hoạt động phân tích kinh doanh đã bắt đầu từ thời kỳ đồ đá cũ, khi tổ tiên của chúng ta tìm cách thích ứng với sự thay đổi của môi trường dựa trên sự hiểu biết về các vấn đề và cơ hội.

Nhưng đến những năm 1940, khi các công ty tư vấn ra đời để đáp ứng các nhu cầu về tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chiến lược kinh doanh thì nghề BA mới chính thức xuất hiện. Từ 1940 đến 1980, nghề BA hầu như chỉ thuần về Business. Một công ty huyền thoại trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh này chính là McKinsey và vẫn giữ vị trí số 1 thế giới cho đến tận bây giờ. Còn công ty tư vấn số 1 về IT hiện nay có lẽ đang là Gartner.

Những năm 1980, khi những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên và hệ điều hành Microsoft Windows được ra mắt bởi các công ty Apple, IBM và Microsoft; thì nghề IT BA bắt đầu xuất hiện nhưng với tên gọi là System Analyst. Nghề IT BA có lẽ bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ 2010 sau khi IIBA ra đời năm 2003 và Babok v2 được công nhận là tài liệu đào tạo BA tiêu chuẩn đầu tiên năm 2009.

1.6. CAREER PATH CỦA NGHỀ BA
(Xem hình ảnh phía trên)

2. THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI HIỆN NAY
2.1. CƠ HỘI - NHU CẦU CAO, LỢI ÍCH HẤP DẪN

Khoảng 1 năm gần đây anh thấy nghề IT BA đang thực sự rất hot. Lý do là gì vậy? Anh sẽ lại chia sẻ tiếp với các bạn về lịch sử ngành BA ở Việt Nam.
Anh không biết chính xác nghề IT BA xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào, nhưng anh đoán là từ khoảng 2010, vì 2 trong những BA đời đầu khá nổi tiếng là anh Trần Quang Kiên, sếp cũ của anh, từng là Phó Giám Đốc Vật Giá và Trưởng phòng BA của Vingroup từ khi còn rất trẻ, hiện tại là CEO của Entrust Consulting; và anh Tùng Jacob, Product Manager tại Thế Giới Di Động, là những người có nhiều năm kinh nghiệm nhất mà anh biết, cũng mới chỉ có khoảng 10 năm kinh nghiệm. Hoặc có thể là xuất hiện sớm hơn vì:

Zing MP3, sản phẩm Zing đầu tiên của VNG đã ra mắt từ 2007. (VNG là startup công nghệ kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, ra đời năm 2004, anh Lê Hồng Minh)
Website vatgia.com (anh Nguyễn Ngọc Điệp, VNP Group) và thegioididong.com (anh Nguyễn Đức Tài) cũng ra mắt năm 2007
Batdongsan.com.vn (anh Lê Xuân Trường, Đại Việt Group) ra mắt năm 2008
Vnexpress (anh Trương Đình Anh, FPT) ra mắt năm 2001
Fsoft (anh Trương Gia Bình) ra đời năm 1999
BKAV (anh Nguyễn Từ Quảng) ra đời năm 1995
Misa (anh Lữ Thành Long và anh Nguyễn Xuân Hoàng) ra đời năm 1994
Unikey (anh Phạm Kim Long, đang làm việc tại VNG) ra đời năm 1994

Những năm 2016, 2017 và 2018 khi startup công nghệ trở thành một chủ đề nóng ở Việt Nam, cũng là lúc nghề BA bắt đầu phát triển mạnh. Anh cũng thấy rất may mắn vì đã bắt đầu vào nghề từ tháng 1, 2017. Thời điểm đó phần lớn các team product tại Việt Nam không hề có BA, và bắt đầu nhận thấy sự khác biệt về chất lượng sản phẩm giữa 1 team có BA và 1 team không có BA. Nhu cầu tuyển BA bắt đầu tăng lên nhưng thị trường thì lại rất khan hiếm nhân sự BA, nên các team Product đành phải đào tạo BA từ trong nội bộ, các nhân sự có background IT như Testor, Developer được ưu tiên chuyển sang làm BA, sau đó mới đến background Business.

Có lẽ do nhu cầu BA ngày càng tăng, năm 2019, anh nhận thấy nghề BA bắt đầu phổ biến hơn và có nhiều công ty công nghệ tuyển BA fresher hơn; và đến 2021 thì bắt đầu bùng nổ. Webinar, chương trình đào tạo, tin tuyển dụng BA tràn ngập trên các kênh thông tin.
Như vậy các bạn có thể thấy là nghề IT BA đang là 1 nghề cực kỳ hot hiện nay ở Việt Nam, và thu nhập cũng rất hấp dẫn. Còn trên thế giới, nghề BA cũng vẫn đang còn rất hot và ngày càng được ghi nhận về giá trị mà nó có thể mang lại. Khi thế giới trở nên phẳng thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể tiếp cận thị trường lao động toàn cầu và có cơ hội làm việc với các công ty hàng đầu thế giới như Google, Amazon, Microsoft...

Laura Brendenburg, CBPA, tác giả của cuốn sách “How to start a Business Analyst career” nói rằng “As business analysts get better, the world gets better.”. Anh tin rằng trong tương lai gần, nghề BA sẽ tiếp tục phát triển lan ra cả các lĩnh vực ngoài IT, như thương mại dịch vụ, tài chính, giáo dục…

2.2. CƠ HỘI - CÁC KHÓA HỌC VÀ TÀI LIỆU ĐÀO TẠO ĐÃ ĐƯỢC CHUẨN HÓA
Cuối cùng thì cần phải kể đến rằng việc học BA giờ đây khá là dễ dàng. Vì nhờ nỗ lực của IIBA và PMI, hoạt động đào tạo BA đã được chuẩn hóa toàn cầu, và hiện tại có rất nhiều trung tâm và khóa đào tạo BA chất lượng theo chuẩn IIBA và PMI.

2.3. THÁCH THỨC - BACKGROUND IT HAY BUSINESS?
Anh thấy có khá nhiều người có suy nghĩ như sau: “Background business chuyển sang làm IT BA sẽ khó và vất vả hơn so với background IT”. Chính bản thân anh khi mới vào nghề cũng nghĩ như vậy. Nhưng sau 5 năm làm nghề thì anh lại thấy ngược lại. Background business chuyển sang làm IT BA sẽ thuận lợi hơn và nhiều cơ hội phát triển hơn so với background IT.
Cái nhận định sai lầm ban đầu chính là do xuất phát từ 1 cách tiếp cận sai lầm. Làm IT Product hay làm Product trong bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ có các giai đoạn sau:

  • Xác định tầm nhìn và chiến lược (Strategy)
  • Phân tích Customer Insight để xác định Product Portfolio, thiết kế Business Model và Value Propositioning (Concept)
  • Thiết kế sản phẩm và trải nghiệm khách hàng (Design)
  • Phát triển sản phẩm (Development)
  • Đưa sản phẩm ra thị trường (Launching)
  • Vận hành sản phẩm (Operating)
  • Phân tích dữ liệu (Data Analytics, bao trùm 6 giai đoạn trên)

Thông thường thì vị trí BA sẽ tham gia các giai đoạn, Thiết kế, phát triển và ra mắt, theo tỷ lệ khoảng 6:3:1. Làm IT BA thì chắc chắn sẽ cần có kiến thức về IT. Chính vì vậy trong khoảng 1-2 năm đầu tiên thì người có background IT sẽ vào việc dễ dàng và thuận lợi hơn. Nhưng để trở thành 1 IT BA giỏi thì lại cần phải có Business Mindset tốt. Chính vì vậy từ khoảng năm thứ 3,4 trở đi, người có background IT sẽ bắt đầu gặp nhiều khó khăn còn người có background business sẽ bắt đầu tăng tốc và phát triển nhanh hơn.
Người có background IT sẽ rất thuận lợi khi thực hiện các nhiệm vụ của BA trong giai đoạn phát triển, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ của BA trong giai đoạn thiết kế, và sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn phát triển lên cao hơn ở các vị trí PO, PM, CPO hay phát triển rộng hơn sang mảng Product Operation và Data Analytics do mang nặng Technical Mindset và hạn chế về Business Mindset.

2.4. THÁCH THỨC - MỨC ĐỘ CẠNH TRANH
Ở tất cả các level Fresher, Junior, Medior, Senior, thì anh thấy nhu cầu tuyển dụng đều đang cao nhưng nguồn cung, hay số lượng ứng viên tại từng level lại khác nhau rõ rệt, tạo ra mức độ cạnh tranh khác nhau ở từng level.
Level Fresher, cung đang cao hơn cầu, nên mức độ cạnh tranh khá cao
Level Junior, cung vẫn đang ít hơn cầu, nên mức độ cạnh tranh ở mức trung bình
Level Medior và Senior, cung đang ít hơn cầu khá nhiều, nên mức độ cạnh tranh ở mức thấp
Hy vọng rằng những chia sẻ này của anh giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan và hiểu hơn về nghề Business Analyst.

__________________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

 

Các mentor có Chương trình mentoring cùng chủ đề

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết

Giang Sophie
Giang Sophie

2023-02-11 01:34:13

Mình cảm ơn Vũ Mạnh Hà đã có bài viết cung cấp nhiều thông tin mà mình đang tìm hiểu. Rất mong Mr Hà sớm có thời gian rảnh để được book lịch tư vấn thêm về nghề. Thank you!