PEER PRESSURE - PHẢI LÀM GÌ KHI CẢM THẤY BẢN THÂN LÀ KHÔNG ĐỦ?

#MenteeAsking
Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) chắc hẳn không phải câu chuyện của riêng một, hai người...

Hỏi:

Em hiện đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Marketing ở HCM. Chuyện là mọi người có thấy bị áp lực đồng trang lứa không ạ? Em thì bị ám ảnh việc thua kém bạn bè nghiêm trọng luôn ạ. Em thấy thật sự lo lắng và áp lực khi nhìn bạn bè và các anh chị hơn em chỉ 1-2 tuổi mà kinh nghiệm làm việc trải dài hơn cả chiều cao của em nữa ạ. Em cũng không phải là chỉ biết áp lực chứ không hành động. Em cũng có kinh nghiệm hoạt động ngoại khoái đầy đủ, tham gia clb Marketing của trường và tổ chức các cuộc thi, webinar, workshop ... GPA của em cũng không quá tệ, khoảng 3.4/4.0 và sắp tới sẽ thi IELTS, mục tiêu khoảng 7.0. Khả năng tiếng anh của em cũng khá tốt vì chương trình học bằng tiếng anh toàn bộ. Hiện tại thì em có kinh nghiệm làm content writer xây dựng các group cộng đồng trên FB nữa ạ.

Em cũng đã đi tìm chỗ thực tập. Nhưng chắc là do còn nằm trong 3 năm tam tai hay sao ấy ạ. Em phỏng vấn 3 chỗ nhưng không thành cho lắm. Một chỗ thì là Startup, họ tuyển Account Intern, cũng đánh giá khá cao em. Nhưng vì giảm chỉ tiêu từ 3 bạn xuống 1 bạn nên họ ưu tiên người năm cuối và commit được nhiều thời gian hơn em. Lần 2 là ở một cty Việt Nam, tuyển Mkt Intern, thái độ phỏng vấn thì hơi ba chấm ạ. Em không tiện nói ở đây nhưng chung quy lại là dời phỏng vấn 2 lần, đổi giờ phỏng vấn gấp và thể hiện sự coi thường rõ ràng với sinh viên luôn ạ. Anh ấy bảo em biết làm PPT thuyết trình nhưng chắc chỉ dùng mấy cái hiệu ứng rồi hình đông cơ bản thôi chứ chắc gì được đẹp hay chuyên nghiệp, mấy cái thuyết trình hay report thì đơn giản, anh còn làm được. Còn bên thứ 3 là một cty khá lâu đời ở VN và rất quen thuộc với bạn trẻ, bắt đầu bằng chữ Y và kết thúc bằng chữ N ạ. Công việc của em là build các group cộng đồng trên FB, không lương. Bên đây thì em siêu kì vọng nhưng mà cũng bất ngờ lắm ạ. 2h phỏng vấn nhưng 2h05 HR nhắn em bảo là các anh chị bận :)) Dời tận 3 lần và lần nào cũng lố giờ mới báo. Tác phong làm việc thì em ba chấm thật sự.

Quay lại chủ đề chính, đến lần thứ 4 thì em được nhận vào một cty giáo dục của VN, cũng không lương mà đến lúc phỏng vấn em mới biết. Lúc vô thì em được xếp vào phòng sản phẩm tệ nhất của công ty. Sp có vấn đề, rất khó sale và truyền thông, tệp khách hàng lệch hoàn toàn với khách hàng chung của cty. Sau nhiều lần truyền thông không hiệu quả thì em đã suggest với chị Manager là nghiên cứu lại sản phẩm nhưng chị bảo là có gì làm nấy, cố gắng đi tụi em.

Túm lại là hiện tại em đang rất mông lung về tương lai. Bộ em quá tệ hay thật sự là do trời chưa độ nên mặc dù đã cố gắng mãi nhưng vẫn chưa tìm được cty nào làm bến đỗ bình yên cho cuộc đời hả mng. À chị em cũng nhờ bạn của chị em đang làm MKT freelancer cho em theo làm trợ lý để học hỏi thêm. Nhưng chị kia cũng hứa hẹn đủ thứ rồi bảo đủ người rồi nên chưa có duyên với nhau. Em mới lên năm 3, cũng muốn đi thực tập ở agency nhưng đa số đòi fulltime, em còn đi học nên không đáp ứng được ạ. Mà tiện thể em cũng thắc mắc không biết vì sao có nhiều bạn bằng tuổi em mà đc nhận vào nhiều agency lớn intern lắm ạ. Làm sao các bạn vừa đi học vừa đi làm fulltime được ạ? Em vẫn đang tìm kiếm Mentor, các cao nhân trong gr có ai muốn thu nhận đệ tử hỗ trợ việc vặt trong công việc thì có thể liên hệ em ạ. Em không cần lương lậu gì nhiều chỉ cần được thỉnh giáo và truyền kinh nghiệm thôi ạ...

Trả lời:

Chào em,

Lướt qua nhóm, anh thấy bài viết của em nên viết một vài chia sẻ, hy vọng có thể giúp đỡ em.

Đầu tiên là tình cảnh em gặp phải cũng có nhiều điểm tương đồng với hồi cuối năm 4 Đại học của anh. Lúc đó anh nộp đơn khoảng 50+ công ty, Big 4 có, MNCs có, công ty VN lớn vừa nhỏ có, đủ thể loại. Và kết quả là trượt hết. Anh nhận nhiều mail thông báo kết quả đến nỗi chỉ cần đọc tiêu đề có thể biết mail báo kết quả đỗ vòng tiếp hay trượt, không cần mở mail ra xem cụ thể.

Cùng lúc, bạn bè trong lớp đại học anh đã bắt đầu sự nghiệp của mình, người thì thực tập, người startup, người đi làm chính thức, v..v Trong khi anh vẫn chưa có chỗ làm ổn định. Một thời gian sau thì bắt đầu đến áp lực từ phía gia đình. Thời điểm đó anh chịu áp lực từ bản thân mình, áp lực vô hình từ bạn bè đồng trang lứa và áp lực từ gia đình, cảm thấy rất cáu giận, nản lòng và mệt mỏi.

Để cho khuây khỏa, anh tìm về chơi điện tử. Nói là tìm về bởi vì không phải gặp áp lực anh mới lôi điện tử ra như công cụ xả căng thẳng kiểu thuốc lá, anh thích chơi điện tử từ nhỏ. Anh đi bộ ra tiệm net khá xa để tiết kiệm tiền xăng xe ~ đơn thuẩn vì mình chưa có thu nhập từ công việc. Trong mấy tiếng ngoài tiệm net, nhập tâm vào nhân vật trên game của mình, anh thấy rất bình yên, quên đi mọi thứ.

Người ta vẫn hay nói vui rằng bia rượu không thể cho ta câu trả lời, song có thể giúp ta quên đi câu hỏi. Với anh thì không phải bia rượu mà game giúp anh quên đi câu hỏi. Những câu hỏi chắc cũng tương tự như của em : Tại sao mình không thể tìm được công việc trong khi bạn bè ai cũng đã có chỗ làm ổn định? Tại sao dù mình đã rất cổ gắng nhưng kết quả vẫn thất bại ? Tại sao bạn bè có thể vượt trội hơn mình? Tương lai mình sẽ đi về đâu? Làm gì đây?

Anh sẽ không nói dối em, có thể em đang ở trong tình cảnh tồi tệ của cuộc đời em. Nhiều sách, nhiều diễn giả sẽ khuyên em nên suy nghĩ tích cực, đừng nản lòng, vượt qua thất bại,.....v Vấn đề là làm sao em có thể suy nghĩ tích cực khi em chịu hết thất bại này đến thất bại khác ? Giống như bảo một đội bét bằng hãy “hình dung trong tâm trí” rằng một ngày họ có thể vô địch.

Sự thực là cuộc đời mỗi người trước sau luôn phải trải qua những khoảnh khắc tồi tệ như vậy, để xây dựng bản lĩnh, ý chí, độ lì đòn và sự kiên nhẫn. Nếu cuộc sống không có khó khăn thì chúng ta đầu có thể trưởng thành, thậm chí cuộc sống đâu có thú vị ?

Không gì tuyệt hơn cảm giác vượt qua tất cả những rào cẳn, thách thức dọc đường để đạt được thành công. Thành công sẽ không vui đến thế nếu như con đường đi đến nó là bằng phẳng.

Anh không khuyên em suy nghĩ tích cực vào thời điểm này, với những gì em đang trải qua. Anh khuyên em nên dành thời gian ngồi phân tích nguyên nhân mình chưa được nhận vào các công ty một cách thật khách quan, và cải thiện bản thân để có cơ hội tốt hơn trong những lần tới. Em cũng cần nhận ra rằng, những khó khăn em đang phải đối mặt là một phần tất yếu để em xây dựng con người mình, cũng như nền tẳng cho những vị trí em đảm nhận sau này.

Những khó khăn, thất bại mà em trải qua trong cuộc sống sẽ luôn luôn giúp ích cho công việc của em, đặc biệt càng giúp ích nếu sau này em giữ chức vụ quản lý con người. Ở công ty trước đây của anh, một tập đoàn đa quốc gia trong ngành tiêu dùng nhanh ~ đồ uống cũng tuyển dụng chương trình MT. Các bạn MT đều là những cá nhân rất xuất sắc, có nhiều thành tích trong học tập, hoạt động ngoại khóa, kĩ năng giao tiếp tiếng Anh, thuyết trình tốt cũng như thể hiện khả năng lãnh đạo. Có thể nói là một chuẩn mực cao nhất của sinh viên đại học. Sau 2 năm luân chuyển qua các phòng ban, các bạn bắt đầu được giao nhiệm vụ. Đây là lúc mọi câu chuyện bắt đầu. Đã gọi là Management Trainee thì phải được bổ nhiệm vào các vị trí Management. Khi đó các bạn bắt đầu quản lý một đội nhóm có nhiều người hơn tuổi, hơn kinh nghiệm và kĩ năng sống. Có những bạn MT tuy trình độ cao, năng lực tốt song cuộc sống gần như chưa bao giờ trải qua những ngày tháng thất bại nên thiếu kinh nghiệm sống. Đây là một điều mà nhân viên các bạn ấy cảm nhận được, cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn ấy rất khó khăn khi quản lý đội.

Suy cho cùng, con người đâu phải chỉ biết đến mỗi công việc. Đời sống cá nhân ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, hiệu quả làm việc của nhân viên. Vai trò của người quản lý không kết thúc lúc 6h khi mọi người về hết, vai trò của người quản lý ngoài giờ làm còn là lắng nghe tâm sự của nhân viên về những khó khăn trong cuộc sống, dùng vốn sống của mình để tư vấn, động viên họ để họ có động lực nỗ lực hết mình. Và vốn sống thường không đến từ thành công, mà nó đến từ thất bại

Nói tiếp về các bạn MT, sau một thời gian vào việc thực tế thì một số lãnh đạo cấp cao gắn bó với công ty từ ngày đầu không đánh giá cao các bạn. Nói thêm để em hiểu về đặc điểm của những lãnh đạo gắn bó từ ngày đầu, Tập đoàn đa quốc gia nào cũng có: Phần lớn công ty đa quốc gia tại Việt Nam thâm nhập thị trường vào thập niên 90, 2000. Đây là lúc khó khăn nhất vì người dân chưa nghe tới sản phẩm bao giờ, sức tiêu dùng còn yếu, trong khi đấy hệ thống điểm bán và đội ngũ nhân sự còn chưa hề có. Những người gia nhập công ty thời điểm đó trải qua cả ngàn khó khăn, thất bại để xây dựng nền tảng khổng lồ của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, như em thấy bây giờ. Qua 20 ~ 30 năm họ lên đến những chức vụ cao nhất nhờ sự trung thành và cống hiến. Và khi họ gặp những bạn MT ít trải qua thất bại, họ không phủ nhận những điểm mạnh như khả năng thuyết trình, kĩ năng tiếng Anh vượt trội, song, không đánh giá cao về mặt con người.

Ngoài những MT thành công và lên những chức vụ đứng đầu bộ phận như em hay thấy trên mạng xã hội hay các kênh truyền thông cho sinh viên thì cũng có nhiều MT mà vì lý do nào đó không đảm nhận được nhiệm vụ, rồi cuối cùng công ty vẫn phải tuyển người đã có kinh nghiệm để thay thế.

Nên là, em hãy kiên trì, bình tĩnh trên con đường sự nghiệp của mình. Thất bại là một phần tất yếu thôi, nó sẽ giúp em rèn luyện bản thân mình.

Một điều cuối cùng, đó là không phải ai cũng phù hợp để làm Big Corp, MT. Việc đấy phù hợp với những bạn có tham vọng lãnh đạo, sẵn sàng chịu áp lực cạnh tranh, đấu đá. Nếu như em không phải một người như vậy, em thích và phù hợp hơn với những công ty khác, những vị trí khác thì đầu có gì là xấu phải không em ?

Em biết bao nhiêu công ty đa quốc gia lớn ? 10 20 ? Coca Pepsi Unilever AB Inbev Heineken PMI BAT,..? Ngoài kia còn bao nhiêu công ty nữa ? Hàng ngàn.... Suy cho cùng ngoài mấy công ty trên em còn biết bao lựa chọn.

Nếu như em quyết định mình không phù hợp, em đầu cần chạy theo Big Corp hay mấy chương trình MT cool ngầu ? Hãy chọn cho riêng mình một con đường mà em cằm thấy vui vẻ nhất. Còn mọi người xung quanh? Mang tính chất tham khảo.

Hy vọng giúp ích cho em. Chúc em may mắn.

Chia sẻ từ anh Vũ Quang Sơn (Pierson Vu)

___________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

Các mentor có thể bạn quan tâm

Bài viết khác của Mentori Vietnam

Hỏi đáp về ngành Logistics

Mentori Vietnam

04-09-2024

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết