NHỮNG LỖI GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI TRẺ TRONG CON MẮT CỦA NGƯỜI ĐI LÀM LÂU NĂM

Chào cả nhà, được Mentori ngỏ lời mời, hôm nay có thời gian mình muốn chia sẻ với các bạn về chủ đề giao tiếp khi đi làm. Đây là vấn đề nhạy cảm mà rất ít người nói cho các bạn. Hôm nay mình muốn chỉ ra 8 lỗi mà mình hay thấy nhất ở các bạn sinh viên, các bạn mới đi làm 1 -2 năm rất hay mắc phải, mình hi vọng là nó sẽ giúp được nhiều người. Những cái này có lẽ các bạn cần xem đi xem lại nhiều lần.

1. Rụt rè và kiệm lời ngay cả khi không nói chuyện trực tiếp.

Không cần nói chuyện trực tiếp, mà đôi khi chỉ cần nói chuyện qua chat ( fb, zalo, skype,....) thì mình cũng cảm nhận rất rõ sự khác nhau giữa bạn nào là sinh viên or mới ra trường với bạn nào đã đi làm nhiều năm.

Không nói đến quan hệ công việc, kể cả quan hệ bình thường nếu ai đi làm lâu tầm 4-5 năm thì nói chuyện, họ thể hiện sự tự tin và nhiệt tình hơn. Trong khi đó nếu nói chuyện với bạn nào trẻ, đặc biệt là sinh viên thì đôi khi ( không phải tất cả) thể hiện rõ sự nhút nhát, mà nói nhát thì hơi quá, mà có lẽ nên dùng từ "rén"

Hôm nọ mình đọc 1 bài bóc phốt về cách cư xử ở 1 group. Đại khái bài bóc phốt đó là có 1 bạn inbox hỏi 1 chị là : chị dùng app nào để chỉnh sửa đó ạ?. Sau đó Chị ấy trả lời, tuy nhiên bạn trẻ kia chỉ thả tim vào câu trả lời mà cũng không thèm nói câu cảm ơn.

Nhiều bạn (không phải tất cả), đặc biệt là khi họ còn là sinh viên rất "kiệm lời". Ví dụ như một đợt mình có cmt hỏi 1 bạn là "em đã chốt xong nguyện vọng chưa". bạn ý cũng chỉ trả lời ngắn gọn là "em chốt rồi ạ" - cũng chả thèm nói là em chốt rồi, em định thi trường... ngành.... Hay đầy khi thỉnh thoảng mình chat với các bạn sinh viên. Do các bạn ấy hỏi mình, hoặc không hỏi nhưng mình có chỉ cho các bạn ấy 1 số cái. Nhưng đáng nói là rất nhiều người trong số đó đều kết thúc như kiểu bạn bị bóc phốt kia, họ chỉ thả tim, or like mà không hề nói câu cảm ơn mình, tệ hơn có nhiều bạn chỉ seen mà không hề nói gì cả, hay tệ nhất có nhiều bạn còn không trả lời nữa luôn.

Mình thấy là các bạn như vậy đa phần là do bạn ít kinh nghiệm sống, họ lúng túng đôi khi không biết cư xử như thế nào, Tuy nhiên với nhiều người khác, đặc biệt là nhiều người đi làm lâu năm họ sẽ cho là bạn đang "coi thường họ". Và dĩ nhiên có thể nhiều người họ đang quý bạn, nhưng họ thấy bạn cư xử theo cách như vậy họ sẽ thay đổi thái độ

Và tệ hơn nữa là bạn không hiểu nổi tại sao họ lại như thế ???

Cái này đâu có khó gì đâu, khó gì khi nói một câu "em cảm ơn anh/chị ạ........" hay nói một câu nào tương tự như thế. Nhưng với nhiều bạn thì câu đó quá khó để nói ra và nó làm cho bạn mất cảm tình của rất nhiều người.

Điều này hầu như không mấy khi xảy ra với ai đó đi làm lâu năm. Đa phần họ nếu chỉ nói chuyện qua mạng thôi họ cũng tiếp chuyện nhiệt tình hơn rất nhiều (tất nhiên cũng có ngoại lệ, nhưng ít)

2. Giọng địa phương.

Giờ đến nói chuyện trực tiếp. Khi còn là sinh viên các bạn nói giọng địa phương hay dùng từ địa phương thì chả ai bảo gì, mọi người đều thoải mái. Nhưng đi làm (một số chỗ) sẽ gặp một chút vấn đề.

Tại sao ư ? Vì con người mà họ luôn thích những ai giống mình. Tất nhiên không phải nơi làm việc nào hay công việc nào cũng thế. Nhưng nếu có thể thì đi làm ở HN các bạn nên nói hoặc không nói được thì nên tập để dùng giọng HN để nói chuyện. Như vậy sẽ tạo thiện cảm hơn rất nhiều.

Đừng nghĩ là chỉ các bạn miền Trung ra HN mới gặp vấn đề đó, ngay chính miền bắc mình nghe giọng hay từ ngữ nhiều nơi cũng hơi khác. Cái này là tiểu tiết rất nhỏ nhưng làm một số nơi có thể sẽ bị để ý.

3. Vấn đề tốc độ trả lời.

Sau giọng nói là đến tốc độ trả lời khi nói chuyện. Mình thấy có hai kiểu với các bạn sinh viên hay mới ra trường hay như thế này :

- Phản ứng chậm : kiểu như họ hỏi thì bạn cần thời gian nhảy số hơi lâu, hoặc là bạn rụt rè quá nên nghĩ lung tung mãi mới trả lời được.

- Phản ứng quá nhanh: nhiều bạn nhanh quá thì lại nói quá nhiều, nói nhiều hơn cả người khác.

Các bạn để ý mấy AC nhiều tuổi hơn mà xem, đa phần họ nói điềm đạm, không chậm không quá nhanh. Các bạn để ý và học theo, cái này thật ra không khó.

4. Tranh luận gay gắt quá mức cần thiết.

Khi còn trẻ hay gặp một vấn đề rất lớn đó là "nóng tính". Ai cũng thể, kể cả mình ngày xưa cũng vậy. Khi họp team hoặc gặp vấn đề gì là tranh luận loạn cả lên, cố gắng chứng minh là mình đúng. Với cố gắng phản biện bằng được người khác. Mà các bạn biết đấy, đôi khi nó thành quá gay gắt. Các bạn không cẩn thận người ta sẽ ghét cho. Như hôm nọ cũng có bạn nói với mình là bạn ấy bị nhận xét là tranh luận quá Aggressive.

Vấn đề này hầu như ai cũng mắc, nhưng có cái may là theo thời gian thì đa số mọi người sẽ không thế nữa, khi tranh luận đa phần sẽ dần dần nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên là nếu có thể nên tập từ hồi sinh viên, để khi ra trường đi làm đỡ bị đánh giá. Khi tranh luận (nếu buộc phải tranh luận) nên nhẹ nhàng thôi. Trước khi nói thì nên cố gắng nghĩ là mình nói thế có hơi quá đáng hay không? Liệu người nghe họ nghe thế họ có nghĩ gì hay không? - Tập suy nghĩ trước khi nói và chậm lại một chút khi tranh luận hay phản biện .

5. Quá thật thà.

Đợt trước mình đọc cmt của 1 bạn như thế này, bạn ý bảo là khi họp công ty, ban GD có hỏi bạn ấy là có ý kiến góp ý gì cho công ty không ? hay thấy ai có gì không tốt, công ty có mặt nào chưa tốt cần cải thiện thì cứ nói thẳng ra - Và thế là bạn ấy nói hết. TUY NHIÊN, sau đó mọi người trong công ty nhiều người quay ra ghét bạn ấy.....

Đó là một ví dụ rất nhỏ thôi. Mặc dù đi học thì ai cũng dạy là nên thật thà.... Nhưng mà lúc nào thì nên thật thà, lúc nào thì nên biết mà im đi thì lại không ai nói :((

Không phải lúc nào biết bạn cũng nên nói gì, cũng nên góp ý? Bạn phải nghĩ cho thật kỹ là nếu mình nói ra những vấn đề, khi mình góp ý với công ty hay cá nhân nào đó thì liệu những lời mình nói ra họ có thay đổi được hay không ? Cũng như "đàn gảy tai trâu" đó. Trước khi gảy đàn phải hiểu được con Trâu nó có hiểu hay không thì hẵng gảy chứ, tự nhiên gảy làm gì ????

bên nước ngoài cũng có câu là "the most hated man in the room is the one telling the truth" - Vậy đó, bạn cần tự hiểu là lúc nào nên nói, lúc nào thì không. Có những lúc khi được hỏi câu hỏi như ví dụ trên chúng ta đành ngậm ngùi bảo là em không có ý kiến gì ạ......

6. Không biết chọn chủ đề mà nói chuyện.

Đây là điều gặp cực kỳ nhiều, khi hồi sinh viên đôi khi nói chuyện thoải mái. Nhưng đi làm với đồng nghiệp, đặc biệt là ai mới đi làm nhiều khi chả biết nói chuyện gì với đồng nghiệp, sếp, đối tác.....

Nhiều bạn kêu họ nói chuyện chán quá nên Sếp, đối tác không thích....

Đầu tiên nếu gặp ai đó một cách bất ngờ chưa có sự chuẩn bị gì thì cái dễ nhất bạn có thể đem ra làm chủ đề là những cái ai cũng quan tâm. Ví dụ như vấn đề thời sự Covid, vaccine,....

Tiếp đó là xem họ làm ngành nghề gì. Ví dụ họ làm tài chính thì cố tìm chủ để nào liên quan đến tài chính mà nói, họ làm marketing thì nói về marketing. Nếu mà có thời gian chuẩn bị trước khi gặp họ thì tốt. Nếu ai đó quan trọng bạn nên note hẳn những cái cần nói ra giấy. Ở nhà chuẩn bị search thông tin về người đó, những gì nên nói - Bạn đừng coi thường bước chuẩn bị này, vì chuẩn bị càng kỹ bao nhiêu thì đôi khi họ càng quý mến bạn bấy nhiêu. Chứ không chuẩn bị rồi tay không bắt giặc rất khó.

Như trước mình đi làm thì ví dụ mình nc với anh trưởng phòng kỹ thuật thang máy. Mình hay hỏi kiểu như là " thang máy nó có Ác Quy không anh nhỉ ? vì em thấy sao nhiều bọn chúng nó quảng cáo là mất điện thì thang vẫn chạy được 1 lúc?" - Thế là anh ấy giải thích cho mình và mình cũng chăm chú lắng nghe.... Nói chung câu hỏi đó chỉ là làm quà để nói chuyện. Nhưng nó rất hiệu quả vì nói chuyện đúng lĩnh vực của mình.

Tất nhiên mỗi người khác nhau, mỗi tập thể khác nhau cần những chiến thuật khác nhau, mà nếu hiểu kỹ thì chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng hòa nhập được.

Còn một điều nữa mình muốn nói là hãy cố tỏ ra hài hước hay kể câu chuyện gì đó hài hước. Cái đó sẽ giúp bạn 80% phá vỡ mọi rào cản với những người lạ, hoặc người ít nói chuyện.

7. Quá kém trong các tiểu tiết.

Kể một chuyện cá nhân thì mình thấy là mình từng hướng dẫn cho nhiều bạn về nhiều thứ. Tuy nhiên dịp sinh nhật mình đa số những người đi làm lâu năm rồi họ đều chúc ( đến 90%). Trong khi đó những bạn đang làm sinh viên hoặc mới đi làm thì nhiều bạn bơ luôn. Thật ra không phải mình trách mà nó là cái gì đó giao tiếp rất cơ bản. Có nhiều bạn mình từng chỉ và dạy rất nhiều thứ nhưng họ cũng chả biết đường chúc một câu.

Đó vẫn là chuyện nhỏ thôi. Đi làm thì chưa nói đến Sếp mà đồng nghiệp có gì vui hay ngày sinh nhật của họ bạn cũng phải biết đường mà chúc mừng chứ. Hay bữa tiệc sinh nhật A/C nào đó trong công ty ít nhất bạn cũng phải biết đường đến chúc, bảo em chúc riêng A/C một chén, chúc mừng A/C sn vui vẻ,..... Chứ không phải cả bữa ăn cứ ngồi im một chỗ.

Còn ở mức cao hơn thì sinh nhật Sếp cũng phải nghĩ ra gì mà tặng, nếu quà to tiền quá không bỏ ra hết thì phải rủ đồng nghiệp hay ai đó cùng làm. Không có ai làm thì mình phải hô hào.... đáng bao nhiêu đâu, cũng không phải tốn quá nhiều công sức nhưng được họ quý từ đó sự nghiệp của mình cũng tốt hơn.

Tết sắp đến rồi, nếu có thể thì cũng nên có quà gì đó biếu đồng nghiệp hay sếp. trước tết hoặc sau tết. Ví dụ ngày xưa mình mới đi làm mình tặng công ty mình mỗi người một bình rượu cần nho nhỏ - bảo là quà quê.... nó cũng đơn giản thôi, chả tốn bao nhiêu, một năm cũng chỉ 1-2 lần thôi có phải thường xuyên đâu, các bạn cứ mạnh dạn lên mà làm nhưng rõ ràng được lòng họ.

Nhưng những tiểu tiết thế này thường ai còn trẻ họ khá lúng túng.

8. Không biết giữ mồm giữ miệng.

Cái này rất hay xảy ra với ai mới đi làm. Do kiểu các bạn trẻ hay kiểu thích hóng Drama. Mà đi làm đôi khi nhiều nơi họ cũng rất nhiều Drama. Drama từ con ông cháu cha hay biển thủ công quỹ,.... nhiều lắm. ... Và giữ thói quen cũ các bạn hay đi kể tiếp với người khác khi biết được. Và rồi khi vấn đề đến là người ta biết được bạn là người nói và ....

Với người đi làm lâu năm thường họ hay biết im. Hoặc nếu không im, kiểu không thể nhịn được thì họ đi kể nhưng họ chọn đúng người để kể ( không đúng người vớ vẩn khéo tạch chứ ko đùa).

Mình từng làm một công ty khi mà kế toán biển thủ, nhân viên KD bán dự án cho công ty ngoài, bên kỹ thuật thì lười..... Nói chung công ty lớn nhưng phức tạp rất nhiều phe cánh. Và kinh nghiệm vượt qua của mình là luôn im và giữ kín miệng. Biết nhưng coi như không biết và không ngả theo bên nào cả, luôn trung lập.

Trên đây là 8 điều cá nhân mình chiêm nghiệm được, hy vọng sẽ giúp được với nhiều bạn

 Bạn có thể kết nối với mình tại: https://mentori.vn/user/523791018

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết