ĐIỀU BẠN CẦN TRANG BỊ KHI RA THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Chào cả nhà, được Mentori ngỏ lời mời, hôm nay có thời gian mình muốn chia sẻ với các bạn, đặc biệt là những bạn mới tham gia hoặc sắp tham gia thị trường lao động. Những điều mình chia sẻ xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của mình sau khi ra trường nhiều năm, có thể có một số điểm chưa đúng lắm, nhưng chắc chắn là có thể giúp cho nhiều bạn hiểu ra một số vấn đề.

1. Làm trái ngành nghề cũng có lợi thế

Có nhiều bạn nói là rất sợ làm trái ngành nghề. Nhưng lại có một số bạn khác theo kiểu không thích ngành mình đang học. Ví dụ như đang học kinh doanh quốc tế nhưng lại thích marketing nên trên lớp đi học các bạn chả thèm học, chỉ học cho qua thôi, tranh thủ đi ra ngoài làm thêm về marketing để tích lũy kinh nghiệm - họ bảo là sau này em có theo ngành đấy nữa đâu học làm gì cho mệt.

Vậy giờ có hai câu hỏi là :

- Làm trái ngành có đáng sợ không?

- Ngành mình đang học thì không thích, thì trên lớp có nên bỏ không cần học?

Bản thân mình cũng là một người làm trái ngành (học TCQT nhưng sau không làm về tài chính bao giờ) và cũng từng tiếp xúc với rất nhiều người làm trái ngành thì mình thấy là :

Học tài chính nhưng sau làm marketing có ok không? Vẫn ok, vì kiến thức đã học về tài chính giúp bạn hiểu và tư duy được một chiến dịch marketing cần chi tiêu bao nhiêu tiền thì hợp lý? Một sản phẩm/ dịch vụ lãi bao nhiêu, có thể chi cho marketing là bao nhiêu ? TÍnh toán xem chỗ nào, kênh marketing nào nên đầu tư nhiều, còn chỗ nào ít hiệu quả thì đầu tư ít.

Học Kinh tế đối ngoại nhưng làm ngân hàng có ok không? Ok chứ, vì kinh tế đối ngoại học thì bạn có kiến thức về mảng xuất nhập khẩu, nên nếu làm việc với các doanh nghiệp chuyên xuất hoặc nhập hàng hóa thì bạn hiểu về cách họ hoạt động, từ đó bạn có thể tư vấn dịch vụ, gói tín dụng phù hợp nhất với doanh nghiệp họ - đấy là cái mà người theo đúng ngành Ngân Hàng chưa chắc họ đã biết.

Học luật nhưng ra làm nhân sự có được không? Tất nhiên là có, đặc biệt là nếu bạn làm ở các công ty lớn. Vì các công ty lớn họ cần giải quyết chế độ chính sách đúng luật, quy chế, chế độ rất quan trọng.

Thậm chí có lần mình từng thắc mắc khi thấy một số công ty kiểm toán Big 4 họ còn có cả những người tốt nghiệp kỹ thuật xây dựng vào làm ???? - Lúc đó mình thấy rất lạ vì rõ ràng là thấy ngành học chả liên quan gì với nghề. Nhưng sau này có điều kiện nói chuyện với một số Sếp quản lý ở đó mới biết là vì họ có nhiều dự án kiểm toán các công trình xây dựng. Nếu chỉ tốt nghiệp kế toán-kiểm toán, rất khó để một người có thể "bóc" được những "điểm mờ" trong các dự án vô cùng phức tạp. Muốn họ biết về thiết kế, kết cấu, nguyên vật liệu thì phải mất nhiều năm may ra mới đào tạo được. Và để kỹ sư xây dựng làm được kiểm toán viên ở đây, họ phải trải qua thêm 6 tháng đào tạo tại công ty

....................................................................

Nên về ý kiến cá nhân thì mình thấy là :

- Làm trái ngành có bất lợi là mình cần học nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, cơ mà cũng có những lợi thế nhất định chứ không hoàn toàn bất lợi.

- Nếu bạn không thích ngành mình đang học thì vẫn nên cố gắng học ở mức độ nào đó, chứ như nhiều bạn buông hoàn toàn là không nên. Vì kiến thức của ngành học kể cả sau này làm trái ngành vẫn sẽ có lúc hữu dụng.

Rất nhiều các bạn cựu SV ra trường lâu năm họ đều thấy hối hận vì ngày xưa không học hành tử tế, bất chấp việc nghề họ làm không hề liên quan tới việc học ngày xưa. Ví dụ như mình, nếu quay lại thời SV mình sẽ cố gắng học tử tế hơn - Vậy nên ai còn đi học hãy cố gắng mà học

2. Cần trang bị những kỹ năng gì để sống sót trong thị trường lao động?

Có nhiều người nói là ngoài kiến thức và kinh nghiệm thì cần rèn luyện kỹ năng. VÌ CÓ KỸ NĂNG THÌ CHO DÙ LÀM Ở ĐÂU CŨNG CÓ THỂ DÙNG VÀ ỨNG DỤNG VÀO CÔNG VIỆC. Cơ mà các bạn có bao giờ tự hỏi là kỹ năng đó gồm những gì không? Hay chỉ nghĩ chung chung là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học hỏi cái mới, kỹ năng làm việc nhóm,.... Nhưng mà nghe nó quá chung chung

Theo khảo sát 457 doanh nghiệp của Hiệp hội các trường Đại học và Doanh nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NACE) vào năm 2013 , các phẩm chất và kỹ năng quan trọng của người đi làm theo đánh giá của nhà tuyển dụng là (theo thang điểm 5, với 5 là quan trọng nhất và 1 là không quan trọng):

- Kỹ năng truyền thông (nói và viết) 4.69/5: Đây là kỹ năng được đánh giá cao nhất. Hiểu đơn giản là khả năng truyền đạt bằng lời nói, văn bản của một con người.

Đi làm hay đi học thì các bạn sẽ hay gặp kiểu cùng một vấn đề nhưng có người diễn đạt lằng nhằng nghe mãi chả hiểu, trong khi có đứa nó nói rất ngắn gọn nghe hiểu luôn - Đó chính là sự khác biệt. Các bạn để ý mà xem, những bạn nào ăn nói rõ ràng thì thường đi làm dễ dàng thăng tiến hơn nhiều. Hoặc nói chuyện với một phòng ban thì nghe ông Sếp nói chuyện bao giờ cũng dễ hiểu hơn ông nhân viên (tất nhiên vẫn có ngoại lệ, không phải tất cả).

Kỹ năng này các bạn có thể rèn luyện ngay từ hồi đi học thông qua việc thuyết trình - có cơ hội thì chăm thuyết trình vào. Đi làm thì họp cố gắng tham gia phát biểu ý kiến, diễn đạt ý kiến. Đó sẽ là cơ hội rèn luyện cho những ai còn trẻ.

- Thành thật/Ngay thẳng 4.59/5: Kỹ năng này được xếp thứ hai.

Hồi trước đi làm ở một công ty thì GD có nói với mình là "nhân sự yếu kém không đáng sợ, nhưng nhân sự kém thật thà mới là nỗi lo". Ở một mức nào đó thì mình thấy nó đúng. Năng lực kém nếu ý thức tốt thì có thể bồi dưỡng và làm nhiều và tích lũy thì sẽ tiến bộ thôi. Còn những đứa kém thật thà thì thỉnh thoảng nó bòn rút của công ty, nó lừa sếp.... thì thật sự rất nguy hiểm.

- Kỹ năng làm việc nhóm 4.54/5: cái này thì các bạn tự hiểu rồi. Nên ai còn đi học có thể cố gắng rèn luyện ngay trên lớp ở các môn học.

- Kỹ năng Quan hệ con người 4.50/5: Hiểu đơn giản là bạn có được lòng người ta hay không.

Đi làm nếu cả phòng đa số ghét bạn thì liệu bạn có làm trưởng phòng thì có yên được không? ĐI học thì chúng nó không phục bạn thì lúc làm việc nhóm bạn có làm lead được không? hoặc có làm cán bộ được không? khi có các mâu thuẫn trong các mqh bạn có xử lý được không?

Cái này với các bạn còn trẻ, đặc biệt là SV thì hơi kém. Đôi khi người ta mong muốn thiết lập các mối quan hệ thì nhiều bạn "không cần các mối quan hệ". Nhiều bạn thì ban đầu có thể có người sếp/mentor/anh/chị nào đó hướng dẫn rất nhiệt tình cho bạn đó, nhưng bạn đó thái độ kém nên dần dần họ mặc kệ và xa lánh không thèm bảo nữa. Hoặc bạn đi làm, đi bọc, ở xóm bạn không thể giao tiếp với quá nhiều người. Những câu chuyện của họ xa lạ với bạn, hoặc có giao tiếp nhưng nhiều người không thích bạn....Điều này diễn ra rất nhiều, và nếu bạn ở trong trường hợp đó thì bạn thật sự cần tự suy nghĩ lại bản thân mình.

Một số kỹ năng khác được liệt kê như :

Động lực/Sáng kiến 4.42; Linh hoạt/Thích nghi 4.41; Kỹ năng phân tích 4.36; Kỹ năng máy tính 4.21 ( khả năng máy tính word, exel, power point, dùng phần mềm khi làm việc..... cái này khá quan trọng và cũng có thể rèn luyện từ hồi sinh viên)

Kỹ năng tổ chức 4.05; Kỹ năng định hướng chi tiết 4.00; Lãnh đạo 3.97; Tự tin 3.95; Điểm số 3.68; Sáng tạo 3.59; Hài hước, vui vẻ 3.25; Chấp nhận rủi ro 3.23

Như vậy trong các yếu tố này có cả yếu tố "điểm số". Thật ra khi các bạn đi xin việc nhà tuyển dụng họ thừa hiểu CV của bạn chắc chắn cũng có yếu tố "phông bạt" thì khá nhiều nên là đánh giá dựa trên những gì các bạn nói trong CV chưa chắc đã chính xác. Tuy nhiên điểm số và bằng cấp rõ ràng là một cái đánh giá không sai vào đâu được. Mặc dù không phải ai điểm cao cũng giỏi, không phải ai điểm thấp cũng kém, nhưng ở mức độ nào đó nó thể hiện khả năng tư duy logic. Có một bạn từng nói với mình là bạn ấy học KDQT nhưng mà không thích ngành đó, sau bạn muốn theo nghề marketing nên học trên lớp gần như bỏ hoàn toàn không thèm học. Mình có bảo là "có rất nhiều người vừa theo marketing mà điểm trên lớp họ rất cao thì liệu em có cạnh tranh được với họ hay không???" - Nên rõ ràng nếu ai mới ra trường thì điểm số và bằng cấp vẫn sẽ là một tiêu chí đánh giá của các nhà tuyển dụng, còn các bạn có cố gắng để đạt tiêu chí đó không thì tùy mỗi người.

Đây là những tiêu chí được liệt kê trong bài đánh giá và mình thấy họ chia khá cụ thể, vì ở VN chỉ nói chung chung là kỹ năng giao tiếp, nhưng họ chia cụ thể thành những kỹ năng nhỏ hơn. Vậy muốn thành công trong việc đi làm, bạn cần biết bổ sung những thứ còn thiếu trong những năm tháng học ĐH bằng bất cứ con đường nào: học thêm. làm thêm. sinh hoạt, tự trui rèn, làm chủ cách sống.....

Trên đây là ý kiến của mình, hy vọng là nó sẽ giúp cho nhiều bạn trên con đường rèn luyện và phát triển sự nghiệp.

Các bạn có thể kết nối với mình tại: https://mentori.vn/user/523791018

 #BackInTime #mentorsharing

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết