ĐỨNG TRƯỚC NHỮNG QUYẾT ĐỊNH LỚN TRONG ĐỜI

Tại sao một số người luôn biết chính xác mình muốn gì, lập mục tiêu rõ ràng, và cứ thẳng băng đi về đích?

Bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao một người lại có thể ra quyết định chính xác, đúng đắn và khôn ngoan như vậy? Họ đã thu thập thông tin thế nào? Tìm người tham vấn thế nào? Làm sao có thể “khôn sớm” như vậy?
 
Tại sao một số người luôn biết chính xác mình muốn gì, lập mục tiêu rõ ràng, và cứ thẳng băng đi về đích? Họ luôn biết tìm đến người giỏi nhất để tham vấn. Họ luôn tìm kiếm được thông tin đầy đủ và chính xác. Họ có khả năng phân tích thông tin, chọn lọc ra thông tin quan trọng từ một đống tài liệu phức tạp, và từ đó đưa ra những quyết định đúng.
 
----
Một số người khác lại luẩn quẩn không có khả năng tự ra quyết định? Họ luôn phụ thuộc vào người khác quyết định hộ, hoặc phải tìm đồng minh ủng hộ ý kiến của mình thì mới tự tin quyết. Nếu để họ cô đơn với các lựa chọn, họ sẽ trì hoãn, đợi mãi đợi mãi cho đến khi ai đó xuất hiện và “xui” họ đi theo một hướng, dù không có lý do gì rõ ràng, họ cũng đi theo, chỉ vì yên tâm có người xui mình như vậy.
Họ không biết tìm kiếm thông tin ở đâu. Thông tin ngập tràn trên Internet thì không biết chọn lọc dữ liệu, và phân tích để đưa ra quyết định. Ngay cả khi đã quyết rồi, họ vẫn luôn bị giao động.
 
Ví dụ: Mong muốn đi du học, nhưng cha mẹ thì nói rằng học về lương không cao hơn người học trong nước đâu. Bạn bè thì bảo, thôi học ở Việt Nam đi cho rẻ. Người yêu thì bảo, đi học ở đâu gần gần cho anh dễ sang thăm. Mỗi người nói một kiểu, và bản thân bạn không thể bảo vệ ước mơ của mình, không thể quyết liệt lựa chọn. Bạn như một quả bóng bị đánh qua đánh lại, mà không sao thoát ra để theo đuổi khát vọng của mình được.
—-
Mình đã tư vấn hàng trăm bạn học sinh, sinh viên trong mấy năm qua. Ban đầu mình không thể hiểu nổi, cứ phải hỏi liên tục:
  • Thế ước mơ thực sự của em là gì?
  • Điều em mong muốn lớn nhất trong đời là gì?
  • Điều gì khiến em phải nghe ý kiến của những người phản đối em?...
Nhưng sau đó, mình đã phải làm quen với việc: có quá nhiều bạn trẻ không thể tự ra quyết định trong tình huống khó khăn. Thường các bạn sẽ phải tìm được sự ủng hộ của ai đó (bạn bè, gia đình, người thân…) thì mới dám dũng cảm quyết đi theo 1 con đường. Điều dễ xảy ra nhất, là trên hành trình đó, có khó khăn hay vấp váp, bạn dễ bị giao động và bẻ lái khi có một lời khuyên mới xuất hiện.
 
—-
Trong đời, chúng ta sẽ gặp rất nhiều các quyết định lớn.
  • Lớp 9 sẽ phải chọn học trường cấp 3 nào.
  • Lớp 12 sẽ phải quyết định trường ĐH nào để theo đuổi.
  • Đại học sẽ phải lựa chọn ngành nghề nào để đầu tư theo học
  • Phải lựa chọn yêu anh A hay anh B, lấy anh C hay anh D
  • Phải lựa chọn chuyển việc, thăng tiến, phát triển sự nghiệp
  • Phải lựa chọn ở thành phố hay về quê với thầy u
  • Phải lựa chọn làm thuê hay start up
  • Phải lựa chọn rất nhiều hướng đi trong cuộc đời.
Nhiều người lựa chọn dựa trên tư vấn, tìm kiếm thông tin. Nhưng cũng rất nhiều người chọn bừa, cảm tính, đoán mò, thấy người khác chọn thì mình cũng chọn theo, đôi khi là xem bói, tin vào số phận…
—-
Kỹ năng ra quyết định là một kỹ năng khó. Là một thành phần của nhóm Kỹ năng quản lý bản thân, và kỹ năng lãnh đạo. Càng lên cao, bạn càng phải tự quyết định một mình.
Khi bạn là nhân viên, bạn có thể hỏi đồng nghiệp, rồi sếp quyết định hộ bạn, chịu trách nhiệm hộ bạn.
Khi bạn lên đến leader, manager thì bạn đã bắt đầu phải đưa ra quyết định ảnh hưởng đến đội nhóm, tổ chức. Nhưng tất nhiên, trên bạn vẫn còn nhiều người để tham vấn, và chịu trách nhiệm hộ bạn.
Khi lên đến Director hoặc cao hơn nữa, bạn hoàn toàn cô đơn. Bạn phải tự đưa ra quyết định ảnh hưởng đến bản thân, số phận nhiều nhân sự, và hoạt động kinh doanh, vận hành của tổ chức.
-—
Kỹ năng ra quyết định thể hiện năng lực của bạn trong việc lựa chọn giữa hai hoặc nhiều phương án khác nhau. Trong trường hợp may mắn, bạn tìm được đầy đủ thông tin. Ví dụ việc chọn trường Đại học để đăng ký thi vào. Bạn có được địa chỉ trường, số lượng chỉ tiêu, số điểm, ngành học, thông tin về các môn học và đầu ra… Khi đó, việc ra quyết định trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Điều đáng nói là, không phải lúc nào thông tin cũng rõ ràng, đầy đủ. Bạn phải quyết định dựa trên kinh nghiệm, phỏng đoán, và dữ liệu mập mờ.
Ví dụ: đi phỏng vấn, bạn đậu vào công ty A (mức lương 10 triệu, xa nhà 20km, có cơ hội thăng tiến, làm các công việc lặt vặt, sếp khó tính…) với công ty B (mức lương 20 triệu, xa nhà 30km, làm việc như một cái máy, không rõ cơ hội thăng tiến, hay phải đi ra ngoài công trường…). Bạn không biết lựa chọn nào mới là sáng suốt. Những thông tin không dễ gì đối chiếu này sẽ khiến chúng ta rất hại não.
—-
Khi đi ứng tuyển, mỗi nhà tuyển dụng khác nhau lại tìm kiếm những kỹ năng khác nhau, nhưng hầu như tất cả các công ty đều tìm kiếm các kỹ năng ra quyết định (hay còn gọi là kỹ năng giải quyết vấn đề - problem solving skill). Đó là bởi vì tất cả nhân viên đều phải đối mặt với các quyết định ở nơi làm việc, lớn và nhỏ, hàng ngày.
 
Nhà tuyển dụng có thể đưa ra tình huống, đưa ra các lựa chọn khác nhau. Ứng viên nào có thể chứng minh khả năng phân tích, gọi tên ra các lựa chọn rồi so sánh về cả chi phí và hiệu quả sẽ thể hiện lợi thế hơn hẳn trong quá trình tuyển dụng cũng như làm việc.
 
Việc có đủ năng lực để đưa ra quyết định tốt nhất trong mọi tình huống là điều các doanh nghiệp đang rất tìm kiếm ở ứng viên. Không thể mỗi quyết định nhỏ cũng hỏi sếp, không thể mỗi tình huống khó khăn đều không thể xử lý mà đồng nghiệp phải ra tay giúp.
 
Tìm ra giải pháp tốt nhất khi đối mặt với một vấn đề là điều quan trọng hàng đầu. Cả trong cuộc sống cá nhân, cũng như trong công việc.
 
Điều này đòi hỏi bạn cần được rèn luyện từ nhỏ, được khuyến khích tìm hiểu mọi góc cạnh của vấn đề, cần được luyện tập ra các quyết định lớn bé liên quan đến bản thân và cuộc sống của mình. Bạn cũng cần học cách “không ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ/ người lớn”, có chính kiến riêng. Để quyết định đúng, bạn cũng cần có kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực. Không rõ thì phải học và trải nghiệm. Người có kinh nghiệm thường có khả năng quyết định đúng nhiều hơn những tấm chiếu mới là thế.
 
Nếu hôm nay bạn vẫn còn vất vả trong việc lựa chọn và ra quyết định. Là vì bạn luyện tập chưa đủ nhiều, vấp ngã chưa đủ đau, và trải nghiệm chưa đủ rộng đấy.

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết