ĐI TÌM ĐAM MÊ HAY TIẾP TỤC THEO ĐUỔI NGÀNH HỌC - LĨNH VỰC BẢN THÂN KHÔNG HỀ THÍCH?
Hỏi:
Em chào mọi người ạ.
Em đang rất phân vân, vô định, xin mn lắng nghe và góp ý. Em hiện tại đang là sinh viên năm 3 Tài chính ngân hàng, em đã rất chật vật để có thể học tới năm 3. Từ thời điểm năm 2 em đã nhận thấy đây thực sự không phải lĩnh vực thế mạnh của bản thân mình nhưng khi đó không đủ dũng cảm để nói chuyện với bố mẹ, không đủ dũng cảm để từ bỏ và nếu bỏ cũng chưa có kế hoạch khác, chưa biết mình thích gì nên em đành học tiếp, và có tư tưởng rằng, cứ học xong lấy bằng Cử nhân rồi sau này làm ngành khác, em đã biết chắc chắn rằng sau này mình sẽ làm 1 lĩnh vực không phải tài chính, nó thực sự không phù hợp với bản thân mình.
Tuy nhiên mọi thứ là không dễ dàng, lên năm 3 các môn học nặng hơn, khó hơn đòi hỏi bọn em cần nhiều kĩ năng, nhiều kiến thức hơn, và với 1 đứa không đam mê với tài chính như em học rất mệt mỏi, stress. Và em bắt đầu suy nghĩ lại, cảm thấy bản thân đang thực sự lãng phí thời gian, công sức, tiền của để học một thứ mà bản thân đã biết chắc chắn sau này mình sẽ không làm về nó. Khi mà sau này mình làm ở 1 lĩnh vực khác, không liên quan tới tài chính thì cái mình học, cái bằng nó có thực sự có ích, đáng để mình đầu tư tiếp không?
Tới thời điểm bây giờ , bản thân có nhiều trải nghiệm hơn chút, em cũng hiểu bản thân mình hơn, biết rằng mình thế mạnh là gì, phù hợp với một môi trường như thế nào, và cũng có ý định bỏ học để dành thời gian quay sang học chứng chỉ của một lĩnh vực khác phù hợp với mình, mà giờ đã năm 3 rồi, nói bỏ cũng không thể bỏ ngay vì đã bỏ rất nhiều công sức nỗ lực trong 3 năm qua, nếu em học tiếp em sẽ phải mất 1,5 - 2 năm nữa. Gia đình ở quê bố mẹ làm nông, vất vả chắt chiu nuôi con cái. Em đang rất phân vân nên tiếp tục cố gắng theo đuổi 1 lĩnh vực mà sau này mình sẽ không làm về nó, hay dành thời gian cho lĩnh vực phù hợp với mình hơn??
Cảm ơn mn đã đọc đến đây, mong mn cho e lời khuyên, xin đừng buông lời cay đắng ạ!
Trả lời:
1. Bạn nên học cả hai. Nhưng nên phân bổ time hợp lý. Ví dụ các môn học ở trường, bạn thấy chán và ko hứng thú thì dành ít thời gian học hơn, cố gắng đạt điểm trung bình đổ lên là được, ko cần kỳ vọng bằng cấp cao. Còn thứ mà bạn hứng thú, bạn trau dồi dần, xin đi thực tập hoặc làm thêm mà kiếm chút thu nhập.
(Chia sẻ của bạn Nguyễn Diệp Linh)
2. Có 1 cái vấn đề các bạn trẻ không hiểu là đam mê sẽ đến khi mà bạn thực sự giỏi. Hãy cứ theo đuổi, kiên trì với 1 con đường đi, khi càng có nhiều thành quả thì các bạn sẽ càng thấy hứng thú và đam mê với con đường đó hơn.
Việc bỏ dở để theo đuổi 1 ngành khác cũng có thể sẽ có thành công, tuy nhiên rủi ro vẫn có là mất thời gian, công sức và tài chính để chuyển sang.
Nên hiện tại em cứ cân nhắc kỹ các mặt, nếu ngành mà em định chuyển sang em thực sự giỏi, có tiềm năng phát triển và đủ tiền để theo học thì có thể chuyển. Nếu đánh giá không đủ thì hãy cố gắng hoàn thành ngành học hiện tại đã rồi học tiếp lên nữa cũng không muộn.
(Chia sẻ của anh Trung Anh - hiện đang làm việc tại State Bank of Vietnam)
3. Chào em, chị là một sinh viên Tài chính Ngân hàng nè, giờ chị năm 4, chuẩn bị đi làm fulltime một ngành khác hoàn toàn trái dấu với tài chính, cũng là điều chị mong đợi từ tận năm 2 luôn í, và chị cảm thấy rất biết ơn vì ngày đấy chị đã không quyết định nghỉ học. Đối với chị kiến thức Tài chính dù không có ích trong công việc hàng ngày, thì cũng vô cùng bổ ích cho sự nghiệp xây dựng tài chính riêng của em. Năm 3 chị cũng rất hoang mang, muốn ngưng ngay việc học và đi làm, nhưng chị nhận ra bản thân mình bước vào thị trường lao động của một ngành khác cũng rất khó khăn nếu như không được đào tạo base knowledge. Hãy bắt đầu tự học và xây dựng các kiến thức cần có cho ngành mà em muốn, sẽ không thiệt đi tí nào đâu, chị đảm bảo.
Ở năm 3, chị chọn danh nghĩa FTU và kiếm một công việc parttime sát với mong muốn chị nhất, và gắn bó cùng nó để vượt qua một loạt môn siêu khó nhằn (hóa ra, nó cũng không đáng sợ như chị nghĩ =))) vẫn chỉ là học trước 1 tuần là được thôi không sao đâu em ạ). Đồng thời đấy còn rèn giũa được rất nhiều skill để chuẩn bị cho một công việc fulltime chuẩn chỉnh ở năm 4 ĐH.
Em nên suy nghĩ kĩ nhé, vì dù sao tấm bằng ĐH cũng sẽ mở ra cho em rất nhiều cơ hội để bước tới một thứ cao hơn đấy, và hoàn thành tấm bằng đấy thì không hề khó chút nào rồi.
(Chia sẻ của chị Phan Ngọc Mai)
4. Chào bạn, mình cũng là sinh viên năm 3 (sắp qua năm 4) ngành Tài Chính, và mình cũng không thích ngành mình đang học lắm. Mình xin chia sẻ một vài suy nghĩ với bạn (và cả các bạn khác cùng hoàn cảnh):
- Nếu bạn dư dả về kinh tế và thời gian: Thì hãy mạnh dạn nghỉ ngành mình không thích và theo đuổi đam mê của mình.
- Nếu bạn không dư dả: Hãy cân nhắc học tiếp ngành hiện tại và nghiên cứu thêm về ngành bạn định làm. Con đường này sẽ khá vất vả nhưng:
+ Đấy là cách nhanh nhất (và ít tốn kém nhất) - để bạn có được tấm bằng đại học - một lợi thế khá lớn cho bạn khi xin việc (dù là làm trái ngành).
+ Học nốt 2 năm đại học không hề thừa. Đại học ngoài những kiến thức chuyên môn thì còn cho bạn rất nhiều thứ khác nữa.
+ Nếu bạn thấy không thoải mái với việc học tài chính, bạn có thể thay đổi mindset của bản thân: Không cần học quá giỏi, điểm quá cao, chỉ cần đủ để qua môn và ra trường là được.
+ Ngoài ra, bạn có thể cắt giảm bớt thời gian dành cho việc học, và dành thời gian làm việc khác. Việc khác ở đây cụ thể là học hỏi thêm về ngành bạn muốn làm, tham gia các khoá đào tạo, hoặc tốt nhất là đi làm/ đi thực tập để tích luỹ thêm kinh nghiệm.
(Chia sẻ của bạn Giang Sơn)
5. Thời gian học chỉ 4 năm, còn thời gian làm là gần 40 năm (21 tuổi bắt đầu đi làm, 60 tuổi nghỉ hưu). Vậy hãy làm gì mình thấy thích và có thế mạnh. Còn học ngành này có nhất quyết phải làm việc theo ngành học không thì ko nhất thiết, thời gian học đại học là tìm hiểu phương pháp luận, cách lập kế hoạch cho bản thân và tư duy lô-gic, và cách làm việc team-work. Kiến thức thu được trong trường học ko giúp nhiều cho công việc sau này mà chính những kỹ năng mà bạn tích luỹ mới giúp nhiều cho bạn. Vậy đừng lo lắng mình nên đi tiếp hay dừng lại mà hãy xem mình làm gì để rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho việc đi làm sau này. Cuộc đời đi làm còn nhiều thứ đòi hỏi mình phải vượt qua lắm, thời gian đi học là thời gian đẹp nhất để mình tận hưởng. Vậy hãy cứ enjoy đi.
(Chia sẻ của anh Hoàng Thái Phương)
6. Anh nghĩ trường hợp của em sẽ không có giải pháp nào dễ dàng, khi vừa học ngành mình không phù hợp, mình cũng không thực sự tài năng cho ngành đó, và tài chính gia đình không cho phép. Nhưng để em nhìn nhận hoàn cảnh của mình một cách khách quan hơn, thì nói như anh hồi sinh viên học ngành mình thích, có chút năng lực, và gia đình không phải quá nghèo, thì khi theo đuổi sự nghiệp của mình cũng phải đối mặt với hàng trăm nghìn thứ mình không thích và nhiều lúc chỉ muốn bỏ.
Vì vậy, anh nghĩ làm bất cứ việc gì, nếu tìm giải pháp dễ dàng không phải là cách hay, vì đến lúc nào đó em cũng sẽ gặp phải những sự khó khăn. Nếu em giải quyết vấn đề theo cách khó khăn, thì lâu dài mọi thứ sẽ đỡ khó cho em hơn.
Cho nên anh muốn khuyên em như sau:
1 - Nếu em chưa biết mục tiêu tiếp theo của mình là gì, thì chưa nên nghỉ học ngành tài chính vội, hãy đi học, kèm theo ra ngoài trải nghiệm các môi trường ngành nghề khác nhau mà em yêu thích. Em có thể đi học ở trường kết hợp đi làm thêm và học các khoá học nhập môn của các ngành nghề khác, tham gia các cộng đồng người làm các nghề khác nhau để hiểu hơn về công việc của họ, để chọn ra thứ phù hợp với mình.
2- Nếu em đã biết được mình phù hợp cái gì và việc theo đuổi nó bước đầu không tốn quá nhiều thời gian, thì em vẫn nên theo đuổi cả hai. Cá nhân anh thấy làm sinh viên nếu chỉ đi học thì rất nhàn, 1 tuần em cũng phải dư 3-4 ngày thích làm gì thì làm. Em tha hồ theo đuổi những việc mình thích + đi học, đi làm kiếm tiền vào thời gian rảnh.
3- Nếu em đã xác định được đam mê, và đam mê của em phải đầu tư thời gian một cách nghiêm túc, thì em có thể cân nhắc nghỉ học để theo đuổi đam mê kia. Trước khi nghỉ học, nên kiếm lấy một công việc part-time để có tiền trang trải cho chặng đường trang trải cuộc sống cá nhân.
Một mặt nữa, là kiến thức tài chính sẽ rất có lợi cho em về lâu dài, nếu em không thể học quá sâu, hãy cố hiểu những thứ cơ bản của nó. Đến khi 30-35 tuổi em sẽ bắt đầu hiểu tại sao em lại cần biết rõ về tài chính để hoạch định kế hoạch cuộc đời em, hay để có thể tự tin mở những công việc kinh doanh cá nhân, dù là nhỏ hay to. Cơ bản nó sẽ là kiến thức bổ trợ cực tốt cho em cho dù theo đuổi bất kì ngành nào.
Cá nhân anh thì thấy “sự phù hợp” nó không đến một cách tự nhiên, nó còn kèm theo cả những rèn luyện trau dồi nữa. Không có một công việc nào sinh ra để dành riêng cho ai cả. Cho nên cố gắng lên em nhé vì những khó khăn của em bây giờ mới chỉ là bắt đầu thôi.
(Chia sẻ của anh Công Hoàng - Vice President of Research tại Worldquant, LLC)
7. Chị xin được đưa 1 lời khuyên nho nhỏ thế này, lấy từ kinh nghiệm bản thân chị cũng đã từng từ bỏ ước mơ kiến trúc sư để học business vì nhà ko có điều kiện.
TRONG THỜI GIAN NGẮN (6 tháng - 1 năm)
>> #1. Hãy suy xét kĩ về financial freedom của mình <<
Nghe có vẻ như em vẫn đang phụ thuộc vào gia đình để trang trải tiền học ĐH.
- nếu nhà em còn khó khăn, sẽ gặp nhiều vấn đề nếu em bỏ dở việc học Tài chính và chuyển sang học ngành khác, thì chị nghĩ là ko nên, hoặc ít nhất, em phải bàn bạc kĩ với ba mẹ đề tìm ra giải pháp "đầu tiên".
- còn nếu em có thể tự chủ về tài chính khi chuyển sang học ngành khác (ví du: đi làm thêm, xin học bổng, etc) thì em hãy đề đạt với ba mẹ và cho họ thấy là em đã đủ trưởng thành tự lo mọi việc, và vì thế, em cũng cần ba mẹ tôn trọng quyết định (chuyển ngành) của em.
>> #2. Hãy suy xét kĩ về khả năng tìm việc / tự chủ tài chính sau khi ra trường <<
Bằng ĐH, mặc dù không phải là tất cả, cũng là 1 thứ giá trị giúp em ổn định công việc sau này. Mà cuộc sống có ổn đinh, thì em mới có thời gian mà nghĩ về mơ ước, về đam mê của mình được. Lấy 2 tình huống thế này:
a. Em bỏ dở việc học Tài chính. Không có bằng ĐH, em phải làm thêm ở quán trà sữa (ví dụ thế) để trang trải cuộc sống trong lúc học ngành kia. Nhưng vì đi làm thêm vất vả, em ko còn thời gian, sức lực tập trung vào "đam mê" của mình nữa.
b. Em cố học cho xong bắng Tài chính. Sau khi ra trường, em làm kế toán cho 1 doanh nghiệp nhỏ. Mặc dù lương ko cao nhưng đủ để em ổn định và có dư thời gian để tìm hiểu, học thêm bằng ĐH 2, hoặc thâm chí, đi học Thạc sĩ / du học ngành kia mà em thích.
Em sẽ chọn phương án nào?
TRONG THỜI GIAN DÀI (2-3 năm)
>> #3. Đừng vội quá tin vào cái gọi là "đam mê" <<
Nhìn chung, rất khó để có thể nói ngành nào là đam mê của mình. Có những người làm 20-30 năm, hết cả nửa sự nghiệp mới tìm được đam mê của bản thân. Đôi khi mình tưởng là thích, nhưng là chỉ thích những thứ hào nhoáng, bề nổi thôi còn những khó khăn, những thứ xấu xí khác thì phải trải nhiệm mới biết được. Thế nên em cũng đừng quá vội vàng quyết định đi theo 1 ngành mới vì nó là "đam mê" của mình. Chỉ là, the grass is always greener on the other side thôi.
>> #4. Nhưng đồng thời, cũng ko nên cố chấp với cái mình GHÉT <<
Dù ko nên vội chạy theo "đam mê", nhưng một khi đã nhận thấy mình GHÉT cái gì, thì tốt nhất không nên tốn thời gian vào nó, vì thời gian cũng là 1 dạng chi phí cơ hội, em dành thời gian làm 1 việc mình ko thích tức là cũng bỏ lỡ cơ hội theo đuổi 1 ngành khác khả thi hơn. Quan trọng hơn cả, nếu ko phải thứ mình thích, lúc yên ổn thì ko sao, lúc có sóng gió chắc chắn em sẽ tự vấn bản thân "Tại sao mình phải chịu khổ, mình cố gắng vì điều gì?"
>>> NÓI TÓM LẠI <<<
Lời khuyên của chị là em nên học tiếp bằng Tài chính ít nhất cho tới khi tốt nghiệp đề ổn định cuộc sống, trừ phi em có 1 phương án tốt để đảm bảo financial freedom của mình.
Tuy nhiên đây chỉ là lời khuyên từ cá nhân chị, quyết định cuối cùng vẫn ở em, và quan trọng là một khi đã quyết định thì em phải theo tới cùng và dù kết quả có ra sao thì em cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với quyết định của mình.
(Chia sẻ của chị Đặng Thùy Linh - Strategic Partner Manager, E-commerce - Zalando SE; Founder & Coach, Education - G-college)
__________________________________________
Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?
Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...
TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!
Đọc thêm các #MenteeAsking khác:
MẤT ĐỘNG LỰC, TRÌ HOÃN MÙA DỊCH CÓ PHẢI CÂU CHUYỆN KHÔNG CHỈ RIÊNG EM?
GÓC HOANG MANG CỦA SINH VIÊN SẮP BƯỚC SANG NĂM CUỐI
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN THÔNG MINH?
PEER PRESSURE - PHẢI LÀM GÌ KHI CẢM THẤY BẢN THÂN LÀ KHÔNG ĐỦ?
Các mentor có thể bạn quan tâm
Bài viết khác của Mentori Vietnam
Bài viết cùng chủ đề
Mentori Vietnam
03-10-2021
2022-07-10 15:47:06