CÁC ÁP LỰC THỜI ĐẠI HỌC MÀ BẠN SẼ GẶP PHẢI VÀ CÁCH ĐỂ VƯỢT QUA

Cuộc sống đại học mang tới cho sinh viên những áp lực gì và chúng ta cần làm gì để vượt qua những áp lực ấy, cùng mình đón đọc bài viết hôm nay nhé!

(Bài viết là chia sẻ của một blogger - Quanh with Gen Z - cũng là một sinh viên sắp ra trường và đã trải qua gần như tất cả áp lực thời đại học từ lớn tới nhỏ).

Thời đại học, chúng ta có thể phải đối mặt với những áp lực gì?

1. Áp lực trước một môi trường hoàn toàn mới
Không còn những ngày tháng hồn nhiên vô tư sáng đi học chiều về rồi vui đùa chạy nhảy như các cấp học dưới, cũng không còn sự chỉ dạy tận tình tới nơi tới chốn của thầy cô bạn bè, môi trường và văn hóa trên cuộc sống đại học hoàn toàn khác biệt.

Giờ học ít, giáo viên lên lớp giảng bài nhưng sự tương tác thầy – trò lại không nhiều, sự kiểm soát học hành gần như không có. Sinh viên chúng mình hầu như phải hoàn toàn tự lập và tự đối mặt với khối lượng kiến thức khổng lồ đầy lạ lẫm. “Đại học là tự học”, câu nói được nhiều các anh chị khóa trên truyền lại có lẽ không sai chút nào.

Học không còn đơn giản là lên lớp nghe giảng, về nhà làm bài nữa. Khả năng tìm tòi, học hỏi, tự lực cánh sinh là những yêu cầu bắt buộc khi bước lên đại học. Và thực tế cũng đã cho thấy, nhiều bạn vì không thể thích ứng với cách học thoải mái và đòi hỏi tính tự học cao như thế dần trở nên chểnh mảng và sao lãng với việc học.

Ngoài ra, môi trường năng động cởi mở trên đại học với rất nhiều các hoạt động ngoại khóa, các sự kiện lớn nhỏ cũng đòi hỏi các bạn sinh viên từ cấp 3 lên đại học một khả năng hòa nhập và thích ứng đáng kể. Bởi vì, nếu không, các bạn sẽ bị cô lập trong chính môi trường năng động ấy. Là một người rụt rè và nhút nhát, khoảng thời gian lúc mới lên đại học, mình cũng đã từng bị khủng hoảng bởi cuộc sống hoàn toàn khác biệt xung quanh mình. Mọi thứ đều mới mẻ và đầy lạ lẫm đối với một tân sinh viên như mình.

2. Áp lực trước khối lượng kiến thức khổng lồ và sự quá tải bởi các bài kiểm tra, thảo luận
Đây gần như là một trong những áp lực lớn nhất đối với mình khi bắt đầu lên đại học. Mình vốn dĩ là một đứa chăm chỉ từ cấp 1 đến hết cấp 3, mình đã nghĩ mình có thể đảm đương được với vấn đề học tập trên đại học. Nhưng không, khoảng thời gian ban đầu và cả rất lâu sau đó quả là nỗi ám ảnh với mình.

Mỗi một môn học, chúng mình chỉ học trong vài tháng chứ không phải cả năm như trước kia nữa, và trong vài tháng đó, chúng mình cần phải học hết kiến thức của cả cuốn giáo trình mấy trăm trang dày cộp. Rồi ngay từ đầu kỳ, ngay buổi học đầu tiên, cô giáo bước vào và việc cô làm đầu tiên là chia ngay nhóm để chuẩn bị cho các bài thuyết trình thảo luận. Lúc ấy, mình shock lắm, vì còn chưa biết hình dạng mặt mũi môn đó như nào cơ mà, sao mà chúng mình thuyết trình được cả một đề tài trước lớp cơ chứ.

Và thế là, trong 1-2 tháng ngắn ngủi, sinh viên chúng mình mỗi tiết học hết cả chương giáo trình, thuyết trình, thảo luận, làm powerpoint, phản biện và còn kiểm tra giữa kì rồi chuẩn bị dần cho cả bài cuối kì ngay sau đó. Và cả kì, không chỉ có một môn mà chúng mình làm y như vậy với gần chục môn như thế nữa.

Khoảng thời gian ban đầu ấy, mình stress và áp lực kinh khủng, cảm giác vừa bắt đầu kì học mà đã đến hôm thuyết trình và rồi hết kì luôn. Thậm chí nhiều lúc, mình cảm thấy thật hoang mang và chóng vánh với những thứ mình học được trên đại học.

3. Áp lực trước việc mất cân bằng thời gian và cuộc sống
Cuộc sống đại học vốn dĩ không chỉ có mỗi việc học, đó là sự tổng hòa của rất nhiều thứ từ học tập, hoạt động ngoại khóa, làm thêm và cả những mối quan hệ. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu dẫn đến vấn đề khủng hoảng thời sinh viên.

Câu chuyện cân bằng cuộc sống đại học trở nên khó khăn hơn khi chúng ta vừa phải duy trì kết quả học tập tốt ở trường, vừa phải tham gia các hoạt động ngoại khóa để trở thành một sinh viên năng động, mà lại cũng cần có một công việc làm thêm để chi trả cho các sinh hoạt phí hàng ngày.

Mình đã chứng kiến rất nhiều các bạn sinh viên, trong đó có các bạn đồng trang lứa của mình, một ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng do phải chạy đủ các thể loại deadlines và công việc khác nhau ở trường, ở dự án và chỗ làm. Đã từng trải qua những khoảng thời gian mất cân bằng ấy, mình hiểu rõ hơn bao giờ hết cảm giác mệt mỏi, áp lực, luôn trong trạng thái vật vờ do bị bủa vây bởi quá nhiều thứ và chỉ muốn buông bỏ.

Và nếu như không sớm tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề của mình, thì không những hiệu quả học tập làm việc giảm sút mà các bạn sinh viên còn có thể bị kiệt sức lúc nào không biết.

4. Áp lực đồng trang lứa
Áp lực đồng trang lứa (hay còn gọi là Peer Pressure) là một trong những áp lực phổ biến nhất ở cuộc sống hiện đại ngày nay. Mặc dù áp lực về thành tích, điểm số đã xuất hiện từ khi các bạn học cấp 3 nhưng những áp lực ấy còn nhân lên gấp nhiều lần khi các bạn bước vào đại học.

Môi trường đại học đã không còn là ngôi trường làng, trường huyện nhỏ bé như trường cấp 3 của các bạn nữa. Đó là nơi tập hợp tất cả các các bạn trẻ tài năng nhất trên khắp mọi miền đất nước. Lên đại học, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên lớp, trên trường và trên khắp các mặt báo về những sinh viên có thành tích học tập khủng, về quá trình hoạt động ngoại khóa xuất sắc, những dự án khởi nghiệp hay những sinh viên đã bắt đầu đi thực tập trong các tập đoàn lớn từ năm 2 đại học.

Và rồi khi nhìn lại mình, một sinh viên nhỏ bé từ quê lên thành phố, chưa có bất cứ thành tích gì trong tay, các bạn sẽ không khỏi chạnh lòng và ngày càng trở nên áp lực bởi cuộc đua thành tích ấy. Bởi vì, các bạn biết rằng, nếu như các bạn không cố gắng, không có gì trong tay trước khi ra trường, các bạn sẽ bị chính cuộc đời đào thải. Những áp lực vô hình ấy đang ngày càng đè nặng lên vai các thế hệ sinh viên đại học.

5. Áp lực về tài chính
Cuối cùng, một áp lực cũng không kém phần quan trọng, áp lực về tài chính. Mặc dù khi lên đại học, đa phần các bạn sinh viên vẫn được bố mẹ chu cấp tiền học phí và sinh hoạt hàng tháng, nhưng đó có lẽ chỉ là câu chuyện hồi năm nhất năm hai. Bởi lúc này, khi đã chính thức đủ tuổi trưởng thành, các bạn bắt đầu phải tự lập và chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình.

Số tiền chu cấp hàng tháng của bố mẹ nhiều khi sẽ không đủ chi trả cho tất cả các khoản tiền từ học phí tới tiền ăn ở và các sinh hoạt khác. Chưa kể, lên đại học, môi trường sống đã thay đổi, các bạn sinh viên sẽ cần đầu tư nhiều hơn cho đồ dùng học tập, trang phục và cả vẻ bề ngoài. Lúc này, số tiền chu cấp đa phần không đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả các bạn. Và câu chuyện về nỗi lo tài chính sẽ trở thành áp lực tiếp theo đè nặng lên vai các bạn sinh viên đại học.

Đã có rất nhiều các bạn sinh viên vì không có đủ tiền chi trả cho cuộc sống đại học của mình mà lao mình đi làm thêm từ sáng đến tối, thậm chí bỏ ăn bỏ ngủ và cả bỏ học để có thêm tiền. Áp lực học hành, thi cử, áp lực thành tích và giờ là áp lực tài chính đã cộng dồn lại khiến cho nhiều bạn sinh viên kiệt sức khi bắt đầu bước lên cuộc sống đại học.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, sinh viên cần phải làm gì khi đứng trước những áp lực to lớn ấy. Là một người đã từng trải qua gần như tất cả những áp lực kể trên, dưới đây là 5 cách mình đã áp dụng thành công cho chính bản thân mình.

Vậy thì làm thế nào để đối mặt và vượt qua những áp lực đó?

1. Sắp xếp thời gian biểu hợp lý
Mỗi một người chúng ta, bất kể là sinh viên hay người đi làm, đều chỉ sở hữu 24 giờ một ngày, không hơn không kém. Vậy thì, vấn đề quan trọng nhất để các bạn sinh viên không bị quá tải bởi vô số các áp lực chính là một kế hoạch phân chia thời gian biểu hợp lí.

Kế hoạch ấy cần phải được phân chia rõ ràng cả về học tập, hoạt động ngoại khóa, công việc và cả thời gian nghỉ ngơi giải trí một cách rõ ràng và chi tiết nhất. Mình đã từng chia sẻ về cách quản lí thời gian trên đại học trong bài viết trước, các bạn có thể tham khảo tại đây nhé.

Nhìn chung, để lên kế hoạch công việc phù hợp. Các bạn cần lưu ý:

– Ghi chép lại deadline những công việc cần làm như luận văn, thuyết trình, thảo luận, công việc dự án,…. để không quên và lẫn lộn các lịch với nhau. Bạn có thể note lên lịch giấy, Google calendar hoặc giấy nhớ dán lên tường.

– Phân chia công việc theo tháng, theo tuần, theo ngày một cách rõ ràng để luôn nắm được bức tranh tổng thể những đầu việc cụ thể cần làm. Từ đó, bạn có thể lên kế hoạch hoàn thành từ sớm các công việc để tránh tình trạng nước tới chân mới nhảy như nhiều các bạn sinh viên khác hiện giờ.

– Cuối cùng, một bí kíp đã giúp mình vượt qua mọi stress về việc quá tải trên đại học chính là việc luôn luôn CHIA NHỎ MỤC TIÊU.

Khi bạn đã có một mục tiêu công việc cần hoàn thành, ví dụ như một bài tiểu luận lớn trên lớp, bài kiểm tra giữa kì hay một chương trình sự kiện sắp cần tổ chức cho dự án,… Hãy ngừng ngay việc dồn toàn sức cố gắng làm hết từ đầu dẫn đến kiệt quệ chán nản và bỏ cuộc, hoặc để tới gần hạn chót mới vắt chân lên cổ làm rồi kết quả chẳng ra đâu.

Bạn hãy dừng lại, viết lên giấy tất cả những công việc lớn ấy, rồi tiếp đó phân chia ra tuần tự các bước nhỏ cần làm để hoàn thành công việc. Cuối cùng, đặt lịch cho từng mục tiêu nhỏ như vậy hàng ngày, hàng tuần, hoặc hàng tháng cho tới hạn cuối cùng. Bây giờ, bạn sẽ không còn cảm thấy khối lượng công việc quá tải như trước nữa, chỉ cần bình thản hoàn thành từng mục tiêu nhỏ mỗi ngày, chẳng mấy bạn sẽ tới đích mà không tốn quá nhiều sức lực.

2. Chọn lọc công việc theo mức độ ưu tiên, tránh ôm đồm
Có một vấn đề mình đã trải qua và thấy hầu hết các bạn sinh viên cũng thường dễ dàng gặp phải, chính là việc ham quá nhiều việc và tham gia nhiều hoạt động cùng lúc mà không hề lượng đúng sức của mình, dẫn đến quá tải và kiệt quệ sức lực.

Mình đã từng chứng kiến nhiều người bạn của mình từ năm nhất, năm hai đại học đã tham gia vô số các CLB và dự án khác nhau trong và ngoài trường, các bạn còn đi làm thêm rất nhiều nữa. Kết quả là, kết quả học tập ở trường thì không cao mà những gì nhận được sau khi tham gia quá nhiều dự án như vậy cũng không nhiều.

Mình chỉ muốn chia sẻ rằng, mình cũng đã từng trải qua quãng thời gian bị khủng hoảng giữa vô vàn bài thảo luận, kiểm tra ở trường, giữa các dự án lớn nhỏ khác nhau mà mình tham gia và cả những công việc part-time mà mình đã có lúc ấy.

Sau cùng thì, bài học mình rút ra được là, việc ôm đồm tất cả mọi thứ như thế chỉ khiến cho chúng ta thêm mệt mỏi mà không đem lại bất kỳ kết quả nào. Bởi vì, khi không tập trung vào những việc quan trọng nhất, mọi thứ bạn làm đều sẽ chỉ dừng ở mức độ tàm tạm và dở dang mà thôi, không có thứ gì xuất sắc hoàn toàn cả.

Khi nhận ra được bài học quý giá ấy, mình bắt đầu buông bỏ những thứ không thực sự quan trọng đối với mình thời điểm đó. Mình tập trung đầu tư hơn vào việc học và nghiên cứu ở trường, mình bớt dần việc tham gia những dự án xã hội không cần thiết, chỉ giữ lại một đến hai dự án có ý nghĩa nhất với mình, và mình cũng chỉ giữ lại một công việc làm thêm quan trọng mà liên quan đến chuyên ngành mà mình đang theo học. Cũng nhờ thế, mọi thứ không còn quá sức với mình nữa, mình cũng có thời gian tập trung hoàn thành từng việc một cách tốt hơn.

Lời khuyên của mình là, muốn bản thân không bị áp lực, bạn hãy biết cách chọn lựa mọi thứ một cách khôn ngoan nhất, chỉ nên tập trung vào những thứ phục vụ cho mục tiêu của chính mình thay vì ôm tất cả mọi việc.

3. Kết nối và tìm kiếm những mối quan hệ thân thiết
Nhiều khi chúng ta dễ dàng bị cuốn đi bởi cuộc đua thành tích hay những danh hiệu để rồi mệt mỏi, áp lực và chán nản với cuộc sống đại học không như tưởng tượng ban đầu. Nhưng mà, chúng ta không biết rằng, đại học cũng có thể là nơi chúng ta tìm được những người bạn thân thiết, những mối quan hệ mà có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm được ở nơi công sở hay thương trường khắc nghiệt bên ngoài.

Hãy chủ động kết nối và tìm cho mình những mối quan hệ thân thiết nơi mái trường đại học. Đó có thể là những câu lạc bộ, những dự án, những chuyến đi tình nguyện hay thậm chí là những đứa bạn cùng phòng ngày ngày cùng học cùng sinh hoạt chung với bạn. Khi ấy, bạn sẽ không còn thấy cô đơn, thấy áp lực và mệt mỏi nữa, bởi vì bên cạnh bạn, đã và đang có những người bạn đồng hành sát cánh và sẻ chia với bạn mọi niềm vui nỗi buồn trong những năm tháng đại học đáng quý này.

Bên cạnh đó bạn cũng có thể tận dụng khoảng thời gian trên đại học này để tìm kiếm cho mình những người anh chị, những mentor đi trước, những người mà sẽ giúp đỡ cho bạn rất nhiều trong việc định hướng và đưa ra lời khuyên cho những vấn đề và áp lực bạn đang gặp phải trên đại học. Câu chuyện tìm kiếm mentor thế nào mình cũng đã chia sẻ trong bài viết này rồi nè, bạn có thể tìm đọc thêm nhé.

4. Hãy dành thời gian cho bản thân nhiều hơn
Lên đại học, sinh viên chúng ta không còn được hồn nhiên vô tư như những ngày tháng cấp dưới nữa, không còn những ngày tháng chỉ cần ăn và học hành chăm chỉ, bởi vì, chúng ta đã và đang bắt đầu trưởng thành, bắt đầu phải tự lập với cuộc sống của chính mình. Cũng chính vì lẽ đó, các bạn thường dễ bị cuốn theo rất nhiều những mục tiêu, những thành tích và công việc cho tương lai mà quên đi việc dành thời gian chăm sóc chính mình.

Là một người đã trải qua khoảng thời gian khủng hoảng như thế, mình thậm chí đã không có cả thời gian để ngủ, không có cả thời gian gọi về cho gia đình, mình hiểu hơn ai hết, nếu chúng ta để bản thân liên tiếp cố gắng đến kiệt sức như vậy, tới một ngày, bạn sẽ nản lòng mà bỏ cuộc.

Chính vì như vậy, hãy dành cho mình những khoảng thời gian riêng tư chỉ để nghỉ ngơi, để thư giãn và giải trí. Hãy dành thời gian cho những sở thích cá nhân của bạn, hãy thưởng cho bản thân một phần quà thật ý nghĩa sau những cố gắng không ngừng nghỉ ấy. Để bạn biết rằng, mình vẫn còn một góc nhỏ tìm về sau những bộn bề của cuộc sống, nơi ươm mầm cho những đam mê sở thích riêng của bạn, để bạn có thêm thật nhiều động lực mà tiếp tục cố gắng.

Cho tới bây giờ, dù bận rộn đến mấy, một ngày của mình sẽ không thể trọn vẹn nếu không có các khoảng thời gian bình yên bên cuốn sách, bên list nhạc mình yêu, cuốn nhật kí cuối ngày hay là chiếc blog nhỏ mà bạn đang ghé thăm mỗi ngày. Mình coi đây là những góc nhỏ nuôi dưỡng tâm hồn mình, giúp mình reset bản thân sau những căng thẳng hay áp lực của cuộc sống.

Hãy yêu hơn những điều nhỏ bé xung quanh bạn, và hãy yêu hơn cơ thể cũng như tâm hồn bé bỏng của bạn nhé.

5. Hãy trân trọng cuộc sống và tin tưởng vào chính bản thân mình
Thanh xuân của con người vô cùng ngắn ngủi, đặc biệt là những năm tháng đại học mà chúng ta đang trải qua. Đây là những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, là khoảng thời gian bạn được thử sức, được khám và cả được sai nữa. Vì vậy, việc chúng ta luôn lo lắng quá mức về tương lai, về cuộc sống sau này hay luôn mặc cảm khi chứng kiến thành công của những người bạn đồng trang lứa có thể nói là một sự lãng phí vô cùng lớn.

Bản thân mình, một sinh viên năm cuối, chẳng còn bao lâu nữa sẽ phải kết thúc những năm tháng đẹp đẽ vô cùng này. Mình nhận ra rằng, mỗi người đều có một tuổi trẻ để trân trọng và để hết mình vì nó, và mình thấy hối tiếc khi đã từng để bản thân chịu quá nhiều tác động bởi những áp lực xung quanh mình. Và mình vui, vì mình đã nhận ra điều đó, dù là muộn đi chăng nữa. Mình đã bắt đầu cho phép bản thân làm những điều mình thích, đến những nơi mình muốn, thử những điều mà mình chưa từng thử, vì mình biết, mình được phép thử và sai.

Đừng lãng phí những năm tháng này để tạo quá nhiều áp lực cho bản thân mình bạn nhé, hãy cứ là chính bạn, làm điều bạn thích và theo đuổi ước mơ của bạn chứ không phải của cha mẹ, của xã hội hay của bất kì ai. Những người bạn bè mà bạn ngưỡng mộ rồi cũng sẽ có con đường của riêng họ, bạn cũng sẽ có con đường của riêng bạn dù bằng cách này hay cách khác. Cuộc sống của họ có lung linh rực rỡ thế nào cũng không liên quan đến ước mơ và cuộc sống của bạn.

Vậy thì, chi bằng, đừng để họ tạo ra áp lực cho bạn nữa, hãy cố gắng vì cuộc sống mà chính bạn mong ước. Hãy tập trân trọng những điều nhỏ nhoi mà đẹp đẽ xung quanh bạn, hãy tin tưởng vào chính bản thân mình. Và hãy cứ yêu đời bởi vì rốt cuộc, cuộc sống đại học của bạn sẽ tuyệt vời hay tồi tệ, chỉ đến từ cách nhìn và suy nghĩ của chính bạn mà thôi.

Hãy lựa chọn để bản thân được hạnh phúc bạn nhé!

Hy vọng bài viết hữu ích với các bạn!

__________________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

Các bài viết liên quan

QUY TẮC "PHÁT TRIỂN BẢN THÂN 12 TIẾNG MỘT NGÀY"

ĐẠI HỌC ĐÃ DẠY MÌNH ĐIỀU GÌ?

04 TÀI NGUYÊN CẦN TÍCH LŨY TRÊN GIẢNG ĐƯỜNG ĐẠI HỌC

PEER PRESSURE - ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA

SỬ DỤNG PEER PRESSURE (ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA) MỘT CÁCH HIỆU QUẢ?

TRONG CUỘC SỐNG, AI CŨNG CÓ MỘT "MÀU" RIÊNG

Các mentor có thể bạn quan tâm

Bài viết khác của Mentori Vietnam

Hỏi đáp về ngành Logistics

Mentori Vietnam

04-09-2024

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết

Trang Pham
Trang Pham

2022-04-07 10:03:30

Mình cảm ơn ạ