BUSINESS ANALYST VÀ PRODUCT OWNER KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO? Chia sẻ từ người trong ngành (Phần 2)
Hi, mình là Trang, hiện là Product Manager của Mentori, 4 năm kinh nghiệm Business Analyst trong ngành E-commerce và 2 năm kinh nghiệm Product Owner tại One Mount Distribution. Con đường làm sản phẩm đến với mình thực sự là một kiểu nghề chọn người :D, nhận thức được những khó khăn của các bạn trẻ Việt Nam khi bước đầu tiếp cận con đường mới mẻ này, mình sẽ cố gắng chia sẻ đầy đủ những điều hay ho mình đã học được. Hiện mình là Mentor tại Mentori - kết nối với mình tại đây nếu bạn cần định hướng, chia sẻ về ngành BA nhé!
Bài viết lần này mong muốn có thể trả lời cho một trong những câu hỏi mà mình rất thường gặp khi mentor cho các bạn sinh viên/fresh graduate đang tìm hiểu về ngành bi ây:
“Business Analyst và Product Owner khác nhau như thế nào?”
Hai vị trí nói trên có lẽ sẽ là những vị trí thường thấy khi các bạn đọc thông tin tuyển dụng của các công ty, và để giải đáp câu hỏi trên, mình sẽ quay lại một điểm đã đề cập trong bài viết trước, về các loại hình công ty khác nhau mà các bạn có thể tham gia cần đến kỹ năng BA: Consultant Company, Product Company hay Outsourcing/Service Company.
Product Company có thể hiểu là những công ty cung cấp sản phẩm cho chính người dùng cuối của sản phẩm đó. Doanh thu của công ty đó đến từ việc những người dùng này sử dụng các sản phẩm của họ.
Vì sao là “người dùng cuối”, vì có những công ty tham gia vào tạo ra sản phẩm để bán lại cho công ty khác, ví dụ công ty A gia công sản phẩm cho công ty B, công ty B cung cấp tới người dùng thực sự của sản phẩm đó. Khi đó A không phải là Product Company theo khái niệm mà mình đề cập.
Ví dụ về Product Company và sản phẩm của họ có thể kể đến:
Shopee với sản phẩm nền tảng thương mại điện tử kết nối giữa người bán hàng và người mua hàng
Grab với sản phẩm là nền tảng kết nối người có phương tiện vận chuyển và người có nhu cầu được vận chuyển
Spotify với sản phẩm là dịch vụ cung cấp âm nhạc kỹ thuật số, nơi người dùng trải nghiệm âm nhạc và các nội dung khác từ các nghệ sĩ trên thế giới…
Chính ở các công ty Product trên chúng ta mới thường gặp khái niệm Product Owner. Đơn giản là những công ty trên cần một/một nhóm người theo sát và đảm bảo sự phát triển của sản phẩm trong ngắn/trung/dài hạn đạt được mục tiêu kinh doanh của công ty, đó chính là vai trò của Product Owner. Từ đây có thể thấy, Product Owner cần có tầm nhìn dài hạn về sản phẩm, hoạch định được lộ trình chiến lược phát triển của sản phẩm trong tương lai, và mỗi quyết định của họ về sản phẩm đều phải có sự cân nhắc đến lộ trình phát triển này.
Ngược lại ở các công ty Outsource/Service, chuyên gia công sản phẩm theo nhu cầu của một công ty khác (chính là công ty A trong ví dụ trên), thì ở đó, vai trò Business Analyst sẽ tập trung hơn vào các yêu cầu (requirement) của thời điểm/giai đoạn hiện tại của công ty mà họ phục vụ. (kiểu tình một đêm chớ không đi với nhau lâu dài :v) Tất nhiên không phải các công ty gia công sản phẩm không quan tâm đến tầm nhìn sản phẩm của công ty khách hàng của họ. Nhưng chắc chắn việc đưa ra tầm nhìn về sản phẩm sẽ đến từ công ty khách hàng đó (công ty B). Mặt khác Business Analyst ở các công ty này sẽ cần sử dụng kinh nghiệm chinh chiến của mình để tập trung vào đưa ra solution cho vấn đề của công ty khách hàng của mình. Vì thế trải nghiệm tại các công ty này có thể cho bạn kinh nghiệm phong phú tại các lĩnh vực/loại hình công ty khác nhau. (Và khi đạt đến trình độ pờ zồ lão làng trên thị trường, cỡ 7-10 năm trong nghề, bạn có thể trở thành Business Consultant tại các công ty Consultant như Deloitte, KPMG, PwC…)
VẬY Ở CÔNG TY PRODUCT CÓ VAI TRÒ BUSINESS ANALYST HAY KHÔNG?
Chắc chắn là có, vai trò này có thể được thực hiện bởi một/một nhóm người tách biệt so với ông Product Owner, nhưng cũng có thể là ông này kiêm nhiệm luôn. (Vậy nên mình nói “vai trò”). Ở đó công việc của hai vai trò này khác gì nhau? Có thể nói nôm na, vai trò PO sẽ ra quyết định ở tầng cao hơn một chút-liên quan đến tầm nhìn/định hướng phát triển sản phẩm, trong khi vai trò BA tập trung ra quyết định ở tầng thấp hơn, với mục tiêu cụ thể hóa và triển khai được những định hướng phát triển trên bằng cách viết ra những câu chuyện/nhu cầu của người dùng, hoặc là tính năng cần thiết mà sản phẩm phải có để phục vụ người dùng.
Lấy ví dụ cho dễ hiểu, công ty Z xây dựng một trang thương mại điện tử để bán bỉm trẻ em. Product Owner của công ty này sẽ chịu trách nhiệm lắng nghe phản hồi của khách hàng, về việc giao diện hiển thị thông tin/hình ảnh của sản phẩm bỉm đã thực sự đầy đủ/thuận tiện cho khách hàng ra quyết định/thực hiện mua sắm hay chưa. Từ đó đưa ra định hướng phải xây dựng/cải thiện tính năng nào trên trang bán hàng. Business Analyst từ đó sẽ cụ thể hóa người dùng khi dùng tính năng đó sẽ có chu trình trải nghiệm như thế nào. Sản phẩm cần có những màn hình nào, trên mỗi màn hình người dùng cần đạt được trải nghiệm cụ thể ra sao…
MỘT CÂU HỎI KHÁC, CÓ PHẢI PRODUCT OWNER CHỈ XUẤT HIỆN Ở CÔNG TY PRODUCT HAY KHÔNG?
Câu trả lời là không. Thật ra công ty Outsource cũng có lúc cần sản phẩm cho chính họ, đơn giản như một giải pháp để quản lý profile khách hàng và tài liệu dự án của từng khách hàng… khi đó Product Owner sẽ phải nắm bắt được nhu cầu hiện tại lẫn khả năng mở rộng lượng khách hàng trong tương lai của công ty để đưa ra giải pháp phù hợp…
Theo IIBA, Product Owner là 1 trong các vai trò của 1 Scrum Team (Scrum-một bộ khung cách thức làm việc thường được áp dụng cho các đội dự án phát triển phần mềm). Vì vậy ở đâu áp dụng Scrum, ở đó sẽ có Product Owner… Và sở dĩ các bạn thấy title PO phổ biến vì Scrum đang được áp dụng ngày càng phổ biến hơn ở Việt Nam. Còn về Scrum là gì và vì sao các bạn sẽ nên quan tâm đến framework này, chắc chúng ta sẽ hẹn nhau ở một bài viết khác nhé…
Tóm lại, lựa chọn phát triển theo hướng Product Owner tại công ty Product, tập trung vào 1 Product tại 1 lĩnh vực hay Business Analyst và sau này chuyên sâu thành Senior BA (Process Analyst, System Analyst, Functional Analyst…) tại công ty Outsource/Service với cơ hội trải nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau hoàn toàn là lựa chọn và định hướng của mỗi người mà có thể các bạn sẽ cần trải nghiệm thử cả hai để hiểu mình cần gì.
Ngoài ra các bạn có thể theo dõi các bài viết sắp tới của các anh chị Mentor về trải nghiệm vai trò BA/PO tại các công ty khác nhau để hiểu thêm nhé.
Thank you for reading and see you later!
__________________________________________
Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?
Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...
Các mentor có Chương trình mentoring cùng chủ đề
Bài viết khác của Nguyễn Thị Thu Trang
Chương trình mentoring của Nguyễn Thị Thu Trang
Bài viết cùng chủ đề
Mentori Vietnam
14-04-2022
2022-06-28 23:00:11
đỉnh quá a