7 ĐIỀU ƯỚC GÌ TÔI BIẾT TRƯỚC KHI NHẬN CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN

Nếu có lúc bạn ngồi nhìn lại chặng đường mình đã đi qua - trong cuộc sống cá nhân hay cả sự nghiệp, chắc hẳn ít nhất một lần bạn nói ra rằng: “Giá như…”, giá như lúc đó bản thân mình lựa chọn khác, giá như lúc đó mình nỗ lực hơn,... Nhưng đừng lo, bởi bạn không phải người duy nhất như vậy.

6 tuổi bắt đầu học tiểu học; 15 tuổi chuyển cấp vào trung học phổ thông; 18 tuổi đậu vào một trường đại học/cao đẳng; 22 tuổi sở hữu tấm bằng cử nhân. Dường như cuộc đời của nhiều người trong chúng ta trước năm 23 tuổi đều được định sẵn phải diễn ra như vậy.

Thế nhưng, đoạn đường sau khi chúng ta đi làm lại là một câu chuyện rất khác.

Bắt đầu một công việc ngay sau khi ra trường với rất ít kinh nghiệm và hiểu biết. Bạn có thể phải trải qua nhiều va vấp, tiếc nuối - điều đó hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, bạn không hề đơn độc.

Trong bài viết này, 7 người trẻ từ 7 ngành nghề khác nhau sẽ chia sẻ về những lần vấp ngã trong quá trình đi làm của họ, cũng như điều họ ước được biết trước khi bắt đầu công việc đầu tiên.

“Chuẩn bị kiến thức nền tảng từ sớm” - Thanh Hương, Content Creator
Chuyện của tôi

Mới đi làm, tôi phải lập kế hoạch nội dung cho kênh bán hàng mới của khách hàng. Vì chưa hiểu rõ đặc thù cũng như đối tượng khách hàng của kênh đã vội làm nên tất cả nội dung tôi làm ra đều không mang lại được giá trị gì, lại còn hao tốn tiền sản xuất khiến công ty tôi mất uy tín.

Tôi ước gì

Tôi sẽ trang bị kiến thức vững chắc hơn trước khi bắt đầu để tránh phạm phải sai lầm không đáng có.

Điều tôi rút ra là hãy tìm cách học những gì căn bản đã, có căn bản rồi công việc mới dạy mình nâng cao được.

“Ưu tiên chọn sếp rồi mới chọn công ty” - Minh Quang, Visual Merchandiser
Chuyện của tôi

Lần đầu làm thiết kế, không ít lần tôi cảm thấy chán nản khi người quản lý trực tiếp lại không phải là người có cùng chuyên môn với tôi. Ở công ty, tôi phải làm hầu hết việc từ brainstorm ý tưởng, thực hiện đến đánh giá hiệu quả một mình.

Dù cũng đã tự học được nhiều điều nhưng tôi đã có một khoảng thời gian khá chật vật tìm tòi. Sau một thời gian, tôi chuyển hướng.

Tôi ước gì

Nếu đã chọn được người dẫn bước phù hợp hơn, tôi tin giai đoạn đầu của sự nghiệp sẽ phát triển nhanh và dễ dàng hơn.

Hãy tìm một người mentor tốt và những đồng nghiệp giỏi vì đi làm cũng giống như đi học. Ở gần thầy giỏi, bạn giỏi thì bản thân cũng sẽ giỏi theo.

“Dù chưa có kinh nghiệm, bạn cũng cần được trả lương tương xứng với công sức bỏ ra” - Hồng Đào, Chuyên viên phòng Đối ngoại
Chuyện của tôi

Tôi viết bài "chuẩn SEO" cho một cửa hàng thời trang online với giá chỉ chưa tới 40.000 đồng/bài trước khi tốt nghiệp đại học. Mãi đến khi đi làm fulltime rồi, tôi mới biết một bài SEO 1.000 chữ có giá ít nhất cũng phải gấp 10 lần giá tôi từng được trả.

Vì hai bên đã thỏa thuận nên tôi cũng không có vấn đề gì với chỗ làm cũ. Tuy nhiên, việc bị trả quá thấp cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều.

Tôi ước gì

Mình dành nhiều thời gian hơn để tham khảo mức lương trung bình trên thị trường.

Chỉ là rút kinh nghiệm cho bản thân và người khác: nếu bạn thấy khối lượng công việc lớn, đừng ngại deal lương với nhà tuyển dụng. Tuy mình không có kinh nghiệm thật nhưng làm nhiều thì vẫn cần được trả công xứng đáng.

“Kỹ năng làm việc nhóm đóng vai trò quan trọng” - Đức Tỏa, Marketing Manager
Chuyện của tôi

Làm Digital Marketing, tôi từng nghĩ mỗi cá nhân chỉ cần làm tốt việc của mình sẽ mang lại thành quả. Thực tế, dù team gồm toàn người giỏi, chúng tôi lại thất bại vì không thể phối hợp với nhau.

Công việc không chỉ là toolset (công cụ), nó còn cần cả skillset (kỹ năng) và mindset (tư duy). Để tối ưu quảng cáo và tăng trải nghiệm khách hàng thì cần hiểu đối tượng của mình và có kinh nghiệm quản lý dự án và ngân sách. Tôi học hỏi và trau dồi tốt nhất khi làm việc nhóm với team của mình.

Tôi ước gì

Tôi ước mình đã kết nối và đồng hành với những đồng nghiệp có chuyên môn khác sớm hơn, điều đó sẽ giúp ích cho công việc chung.

“Đừng ngại phản hồi hay đặt câu hỏi” - Giang Vương, Marketing & Communications Manager
Chuyện của tôi

Khi mới đi làm, tôi hay ngại trả lời những câu hỏi của sếp hoặc đồng nghiệp liên quan đến tiến độ công việc, thậm chí ngại đặt câu hỏi khi có những thắc mắc. Tôi lo ngại rằng phản hồi quá nhiều sẽ khiến mọi người cho rằng mình ngốc nghếch hoặc không vững chuyên môn.

Tôi ước gì

Mình biết rằng phản hồi là rất quan trọng để trở thành một người đồng đội đáng tin cậy.

Phản hồi ở đây là phản hồi khi không hiểu, phản hồi nếu công việc có vấn đề trục trặc, phản hồi nếu bạn cần giúp đỡ để hoàn thành. Tôi nghĩ những ngày đầu đi làm tôi sẽ tự tin hơn nếu biết trước điều này.

Chẳng ai cười nếu bạn hỏi một câu "nghe có vẻ ngốc nghếch" đâu. Điều quan trọng là bạn sẽ học được thêm một điều mới bằng cách tìm sự trợ giúp, lắng nghe câu trả lời và phản hồi".

“Chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ” - Nguyên Hạnh, Art Manager
Chuyện của tôi

Khi mới đi làm, tôi thường cố gắng vẽ ra những kế hoạch vĩ mô và đề cao tốc độ hơn là chất lượng, coi thường những việc vặt vãnh. Sếp đã nhiều lần cảnh cáo tôi về thái độ hời hợt nhưng tôi không màng để ý.

Nhưng biến cố xảy ra là khi chính vì thái độ đó mà tôi bị khách phàn nàn về sự cẩu thả trong sản phẩm đăng page. Giọt nước tràn ly, sếp thẳng tay bắt tôi rời vị trí team leader, tự xây lại team khác hoặc rời khỏi công ty.

Cú ngã này đau nhưng làm tôi tỉnh ngộ.

Tôi ước gì

Mình hiểu được một nguyên tắc quan trọng trong công việc - đó là phải làm tốt những việc nhỏ mới có thể làm được việc lớn cách tốt nhất.

Tôi xây lại team mới, học mọi thứ lại từ đầu và quan trọng nhất là trong mọi việc không bỏ qua bất cứ chi tiết nhỏ bé nào.

“Để làm tốt việc thì cần kỷ luật hơn là cảm hứng” - Anh Minh, Trưởng phòng Kinh doanh
Chuyện của tôi

Tôi từng là một người làm việc rất ngẫu hứng - vui thì làm, không có hứng thì bỏ qua. Điều này ổn nếu tôi làm việc cá nhân. Nhưng ở công việc thứ hai khi phải quản lý nhóm riêng của mình, hễ tôi dừng làm thì cũng kéo theo cả nhóm ít năng suất hẳn, KPI không đạt, ảnh hưởng đến lương bổng chung của mọi người.

Vậy nên tôi đã học cách vượt qua cảm giác chán nản của mình mà kỷ luật hơn với công việc. Đi làm vui thì tốt, nhưng không vui thì cũng phải làm thôi.

Tôi ước gì

Mình nhận ra sớm rằng đi làm là khoảng thời gian chúng ta được mài giũa để trưởng thành. Vì thế, không có lý do gì phải phủ nhận những thiếu sót trong quá khứ mà hãy xem nó như động lực giúp bản thân trở nên tốt hơn.

(Nguồn: Zing News)

______________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

 

Các bài viết liên quan

15 ĐIỀU TÔI ƯỚC MÌNH BIẾT TRƯỚC KHI ĐI THỰC TẬP (Phần 1)

15 ĐIỀU TÔI ƯỚC MÌNH BIẾT TRƯỚC KHI ĐI THỰC TẬP (Phần 2)

3 LỜI KHUYÊN TỪ SHARK THÁI VÂN LINH CHO BẠN TRẺ BẮT ĐẦU SỰ NGHIỆP

MÁCH BẠN NHỮNG ĐIỀU CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC MỖI KỲ THỰC TẬP

QUY TẮC "PHÁT TRIỂN BẢN THÂN 12 TIẾNG MỘT NGÀY"

Các mentor có thể bạn quan tâm

Bài viết khác của Mentori Vietnam

Hỏi đáp về ngành Logistics

Mentori Vietnam

04-09-2024

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết

Phuong Thao
Phuong Thao

2022-08-02 08:48:32

Ồ hay quá ạ