TUỔI NÀO DỄ THÀNH CÔNG NHẤT VỚI NGHỀ PR?

Kinh nghiệm là một tài sản lớn với ngành PR. Tuy nhiên, trẻ tuổi có thể thành công với nghề PR được không?

TUỔI NÀO DỄ THÀNH CÔNG NHẤT VỚI NGHỀ PR?

Càng lớn tuổi thì chúng ta càng có kinh nghiệm, điều này khỏi bàn cãi. Và đương nhiên, kinh nghiệm là một tài sản lớn với ngành PR (vì PR cần các mối quan hệ, sự tin cậy, tri thức và kinh nghiệm để làm việc với các đối tác).
 
Tuy nhiên, trẻ tuổi có thể thành công với nghề PR được không? Được chứ, bởi tuổi này có nhiều lợi thế rất hay ho. Hãy cũng đọc bài viết sau đây để khám phá khả năng thành công của bạn trong ngành này nhé.
 
Độ tuổi 20s và 30s
 
Tuổi trung bình trong ngành PR ngày một trẻ hơn. Điều này chúng ta phải cảm ơn Digital PR (phân biệt nó hơi khác với digital marketing nhé).
 
Hầu hết các bạn trẻ bắt đầu vào ngành bằng con đường viết lách, hay content marketing, viết content nói chung. Việc viết lách gần như ai cũng có thể làm, dễ bắt đầu, có công thức hết cả, và các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm viết mọc ra như nấm sau mưa, vì thế content trở thành nghề rất hấp dẫn, và dễ bước vào cho các bạn trẻ mới tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp.
 
Điều này cũng dễ dẫn đến những mặc định, là người trẻ làm PR là thiếu kinh nghiệm, là non tay, và chẳng hiểu gì về ngành PR cả.
 
Nhưng đừng lo, điều thú vị của các bạn trẻ là các bạn rất nhạy cảm với sự thay đổi năng động của các nền tảng mới, của các trend và làn sóng thông tin mới. Ngành công nghiệp PR thay đổi nhanh chóng đến mức độ, từng kĩ năng đã có thể chẻ nhỏ chi tiết ra thành 1 nghề. Ví dụ: cách đây 10 năm không hề có nghề content, thì nay, chỉ riêng kĩ năng viết đã trở thành 1 nghề. Ví dụ: việc lên kế hoạch trước kia người làm PR đều phải tự làm, thì nay đã có PR planner như một nghề. Ví dụ: trước kia thiết kế là việc mà PR/ hay marketing cũng phải nắm được, làm video, audio, chụp ảnh cũng phải biết, thậm chí phải làm đẹp xịn luôn, thì nay chỉ có những người chuyên thiết kế, chuyên làm audio, video, người chuyên chụp ảnh. Vàanh chụp ảnh thì chắc cũng chẳng biết gì nhiều về viết content hết.
 
Việc nắm chắc cách vận hành của một nền tảng, một công cụ mới cũng là thách thức trong ngành PR. Mà các nền tảng mới liên tục ra đời, các công cụ mới (như thiết kế, làm inforgraphics, thiết kế web…) cũng liên tục xuất hiện.
 
Đây là đất diễn để người trẻ toả sáng. Đến làm tiktok cũng phải có chuyên gia tiktok riêng. Đến livestream người ta cũng phải dạy nhau sao cho hiệu quả. Thế mới xịn.
 
Người trẻ có rất nhiều góc nhìn hay
 
Dù bạn làm trong ngành nào, thì kinh nghiệm vẫn là quan trọng, vì nó đi kèm với kĩ năng, kiến thức, và sự uy tín đối với các khách hàng lâu năm. Tuy nhiên, làm việc với người trẻ rất thú vị, các bạn có khả năng nắm bắt công nghệ cực tốt và nhanh nhẹn, các bạn hiểu xu hướng và giới thiệu với khách hàng những xu hướng đó.
 
Kì thị tuổi tác
 
Khi mình mới vào nghề, có một tai nạn rất hài hước như thế này. Mình chuẩn bị tinh tươm nghiêm túc đi gặp các đối tác báo chí. Xung quanh toàn những người hơn mình ít nhất đến 10 tuổi ấy. Sau một hồi hào hứng thuyết trình dự án, một đối tác hỏi “Thế sếp của em đâu?”. Thật là một tình huống ngẩn tò te.
 
Rất nhiều người làm việc với dân PR và dựa vào trực giác hoặc định kiến. Vì như mình đã nói ở trên, PR phần nhiều là làm việc với các mối quan hệ đối tác. Đã có lúc mình cảm thấy, trẻ tuổi là một bất lợi, và đã phải cố tình ăn mặc, tóc tai sao cho già đi xíu, có khi phải giấu thông tin mình bao nhiêu tuổi. Tất nhiên, chúng ta đều hiểu, người ta đánh giá cao kinh nghiệm, bởi điều đó đi kèm với sự khôn ngoan.
 
Nhưng chúng ta cần đặt người trẻ vào những vị trí mà họ có thể phát huy thế mạnh, đặc biệt là những vị trí yêu cầu sự nhanh nhạy, theo dõi xu hướng xã hội, liên tục cần các kĩ năng mới, vì thế giới của chúng ta đang phát triển quá nhanh.
 
Độ tuổi 40s và 50s
 
Lợi thế lớn nhất mà người làm PR nhận thấy, đó là tuổi tác đi kèm với kinh nghiệm xử lý vấn đề. Hãy hình dung, một sự cố xảy ra ngoài kịch bàn hoàn toàn không khiến bạn hoảng loạn. Bạn có thể nhanh chóng có giải pháp, và tìm được ngay nguồn lực, con người để fix lỗi ngay lập tức. Bạn không còn bực mình hay ngạc nhiên vì lịch trình thay đổi của các VIP, vì mọi thứ đã được lường trước để chuẩn bị phương án 2,3…
 
Trải qua TẤT CẢ các vết sẹo trong cuộc chiến PR trong nhiều năm trời, người làm PR đã học được cách tập trung, liên tục tiến lên phía trước và tìm kiếm các cơ hội mới và các phương án thay thế, thay vì tập trung vào các lỗi. Thậm chí, làm PR manager, bạn còn không bao giờ trách mắng đổ lỗi cho nhân sự, vì những lỗi đó đương nhiên có thể xảy ra và bạn luôn lường trước cách khắc phục. Ủ ôi, nhân sự trong team lại hâm mộ quá.
 
Khi đứng tuổi một chút, việc bạn‘ nói chuyện ’với báo chí sẽ tốt hơn nhiều. Bạn sẽ có uy tín và độ tin cậy để làm việc với các cơ quan chức năng.
 
Phải làm gì để giúp đỡ người trẻ phát triển trong ngành PR?
 
  • Liên tục đào tạo nội bộ. Đây là cách hay nhất mà mình học được từ một cơ quan đã từng làm qua. Họ liên tục đào tạo. Senior đào tạo Junior. Người làm ngành này đào tạo ngành kia, để thấu hiểu và làm việc hiệu quả hơn.
  • Mentoring: Tuỳ chọn một người trong tổ chức mà bạn thấy muốn học hỏi, và đề nghị người đó hướng dẫn bạn nghiệp vụ. Các chủ DN rất nên chú ý đưa chính sách Mentoring vào hoạt động thường xuyên của mình, vì hiệu quả tuyệt vời mà nó mang lại.
  • Tạo một môi trường hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển nghề nghiệp.
  • Giúp đỡ phụ nữ, tạo điều kiện cho họ cân bằng công việc và gia đình, con cái. Vì PR là một ngành do phụ nữ thống trị, thật thú vị, nhưng đúng là sự duyên dáng trong giao tiếp của phụ nữ có hiệu quả rất lớn trong việc làm PR. Hãy hỗ trợ phụ nữ nhiều hơn để họ tiếp tục cống hiến cho ngành PR.
Tuổi tác chỉ là con số. PR phù hợp với mọi lứa tuổi
Theo quan điểm của mình, ở tuổi nào bạn cũng có thể thành công trong sự nghiệp PR. Lợi thế làm nghề nằm ở việc, bạn chọn đứng ở góc nào của các góc kĩ năng, và tập trung vào đó, thật giỏi kĩ năng đó, và cứ thế dần dần mở rộng vai trò ảnh hưởng của mình.
 
Năng lượng và sự cam kết học hỏi sẽ giúp bạn tiến lên phía trước. Sẽ luôn có cơ hội cho bạn, dù bạn ở lứa tuổi và cấp độ kinh nghiệm như thế nào.
 
Làm PR vui mà, cố lên!

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết