TRẢI NGHIỆM THAM GIA "DOANH NHÂN TẬP SỰ" - CUỘC THI MÔ PHỎNG MT
Chào các bạn, mình là Hoàng, mới là cựu sinh viên của trường Đại học Kinh Tế TPHCM và đang là Global Graduate (hay để các bạn dễ hiểu thì là MT) tại công ty British American Tobacco. Nhận thấy tháng 5 này cũng là mùa mà cuộc thi lớn như Doanh nhân tập sự của trường Đại học Ngoại Thương TPHCM tổ chức và các bạn sinh viên đang ngày càng quan tâm tỷ lệ thuận với sức nóng của chương trình, mình xin chia sẻ trải nghiệm của mình tại cuộc thi này (nơi mà mình đạt giải quán quân vào năm nhất).
Cuộc thi nếu nhìn tổng thể là một quá trình mô phỏng hoàn hảo của chương trình tuyển dụng MT tại các tập đoàn lớn với bốn vòng chính:
Vòng 1: CV và Test Online
Vòng 2: Initial Interview
Vòng 3: Assessment Center
Vòng 4: Final Night
Nhưng trước khi bước vào chi tiết, Hoàng chỉ muốn gửi gắm là khi thi hãy mang tâm thế của một người học hỏi, 2511 thí sinh tham gia năm nay mà chỉ có 1 quán quân nên cái chính yếu không phải là thắng thua mà là bạn học được gì trên hành trình dài này, cái bạn sẽ cảm thấy quý giá là khi mình bước ra khỏi một cuộc thi bất kỳ dù là đậu hay rớt nhưng mình cũng đã trường thành lên rất nhiều.
Nào đi vào chi tiết thôi:
Vòng 1 (CV và IQ Test Online)
Đây là vòng thi mà Hoàng nghĩ đã được rất nhiều anh chị hướng dẫn các tips từ CV và rất nhiều nguồn Online để các bạn thực tập IQ test. Lời khuyên duy nhất của Hoàng ở vòng này đối với CV là các bạn hãy thể hiện một câu chuyện rành mạch về career path của mình, kể một câu chuyện độc đáo về một trải nghiệm mà bạn nghĩ sẽ khiến bạn khác biệt, kể về một câu chuyện được lượng hóa và nổi bật bởi số liệu các kết quả công việc bạn đạt được.
Vòng 2 (Initial Interview)
Đây là vòng mà Hoàng nghĩ nếu các bạn không thể hiện bản thân mình ra mà bám theo một khuôn mẫu nhất định thì sẽ dễ trượt vì đơn giản nhân sự đã quá hiểu những dạng người “sách vở” khi vào phỏng vấn.
Ở vòng này các bạn phải luôn thể hiện được hai thứ: con người các bạn và câu chuyện rõ ràng. Về mặt con người, các bạn hãy luôn thành thật với tính cách của mình, bạn là người hướng nội có thể nói nhẹ nhàng, bạn là người hướng ngoại thì có thể sôi nổi trong vòng phỏng vấn, ít nhất khi bạn đang khoác lên mình con người thật của mình thì tâm thế của các bạn sẽ thoải mái tự tin hơn nhiều vì nó là bản chất của chúng ta, bây giờ nếu bạn cứ thử giả làm người khác thì trong vòng phỏng vấn sẽ mệt mỏi để đóng giả như thế nào. Cái thứ hai là câu chuyện rõ ràng, các câu hỏi luôn xoay quanh kinh nghiệm cũ, cách các bạn giải quyết vấn đề,… Điều quan trọng là các bạn phải bán một câu chuyện rành mạch, đầy đủ và smart, một câu chuyện có bối cảnh đàng hoàng (ở đâu, lúc nào, với ai) – Lúc đó bạn là ai trong câu chuyện? (Role của mình) – Kẻ phản diện là ai (Vấn đề) – Cách giải quyết và kết quả - Nhìn nhận lại kết quả và bài học dù thất bại hay thành công, với một câu chuyện dù nó có thể vĩ mô hay vi mô chỉ cần bạn biết cách bán câu chuyện thật và con người thật của mình thì Hoàng cảm thấy các bạn sáng cửa hơn nhiều.
Vòng 3 (AC): “ĐỪNG CHẾT VÌ HỌC TỦ”
Có một sự thật là mọi cái mô hình từ SWOT, AIDA, 5C-4P sẽ khó giúp ích nhiều cho chúng ta khi bắt đầu sự nghiệp, 2% thời gian công việc lúc đầu của Hoàng chắc mới nghía qua mấy mô hình này và phải công nhận bước vào môi trường corporate thì nó chẳng có sức mạnh là bao, mô hình chỉ là những quy tắc được quy phạm lại và vô tình đẩy nhiều bạn trẻ vào đường nhảy cóc học tủ. Ở vòng AC, Hoàng khuyên mấy bạn đừng bao giờ đi phân tích dông dài mà phải thật sự hiểu rõ câu chuyện hay câu hỏi lớn của case là gì? Hoàng đã từng bắt gặp một nhóm bạn trẻ background tại các trường top đầu present về một case với slide nhiều mô hình fancy SWOT, 5C và bị ban giám khảo vỗ mặt là “các bạn chả hiểu gì cả”, câu hỏi của đề là “Các bạn hãy propose cách chia cổ phần cho một thương vụ liên doanh đã được xác nhận bởi hai công ty” chứ không phải đi phân tích vĩ mô lại tại sao hai bên nên sáp nhập, vậy là chỉ cần mang ba cái model hay ho đã đủ quay mình vào ô mất lượt. Cách đúng đắn theo Hoàng đó là các bạn hãy học cách bóc tách vấn đề như kiểu “Issue tree” hay Problem Solving, vấn đề này là do vấn đề nào cấu thành để rồi dẫn tới root cause hoặc nhiều root causes để giải quyết và tất nhiên tất cả model cũng được hình thành từ những lần các học giả thử Problem Solving như vậy đó.
Cái tiếp theo là về tương tác với con người, AC là vòng mà đôi khi cách làm việc với teammate cũng quyết định người đi và ở, Hoàng khuyên các bạn hãy luôn có tinh thần cầu tiến, lắng nghe, luôn nói vào trọng tâm và hướng đến lợi ích chung của cả team thay vì hăng máu bảo vệ ý kiến bản thân dù chưa biết mình đúng hay sai.
Vòng 4 (Final Night)
Hoàng nghĩ vòng này là đúc kết lại từ các vòng trước, luôn thật bình tĩnh và tự tin nếu bạn vào được tới vòng này.
Hoàng luôn nhớ một câu mà một người sếp ở công ty hiện tại nói với Hoàng “Cá Koi nhiều màu đẹp đó nhưng trong ao với nhiều con cá khác thì chúng cũng chỉ là một bầy cá luẩn quẩn chỉ để đẹp ao, còn những con nào lấm lem bùn đất vì nó chịu đào hang mở rộng ao và tìm nguồn thức ăn mới thì con đó mới thực sự đáng giá”. Đừng biến bản thân thành hình mẫu của ai cả, hãy luôn tự tin và trở nên khác biệt các bạn nhé.
Các mentor có thể bạn quan tâm