MẤT BAO LÂU ĐỂ ĐƯỢC TÌM LỐI ĐI TRÊN BẢN ĐỒ SỰ NGHIỆP
Vì sao mọi người gọi chuyện định hướng nghề nghiệp là ‘’cái vòng luẩn quẩn’’? Sở dĩ bản chất của con người là thích những gì thú vị, mới mẻ. Ai cũng thích 1 công việc vui vẻ hơn là một công việc nhàm chán, buồn tẻ. Mà các cử nhân mới ra trường sẽ chưa thể xác định được bản thân phù hợp với công việc nào vì họ chưa từng trải nghiệm qua nó. Vì thế, họ có xu hướng ‘’thử’’ việc trước, hợp hay không sẽ tính sau. Điều này tạo nên một vòng xuyến thử-bỏ đến khi nào họ thực sự tìm được điều mà mình hứng thú. Do đó, ai cũng cần thiết lập cho riêng mình 1 quá trình định hướng ngay từ bây giờ để thu gọn thời gian sẽ bị bỏ phí.
GIAI ĐOẠN 1: ĐI TÌM CẢM HỨNG
Giai đoạn này kéo dài khoảng 3 năm, ta khai phá năng lực bản thân và tìm hướng đi phù hợp với năng lực đó. Liên tục học hỏi, mở rộng kiến thức là chìa khóa vàng để phát triển bản thân trong giai đoạn này. Nên thử nhiều loại công việc khác nhau để tìm hiểu. Nên hỏi và lắng nghe nhận xét của người mentor, thầy cô giáo, bạn bè về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Hãy sử dụng thời gian này để tạo sự hiện diện của mình trên thị trường, rèn luyện kỹ năng, cải tiến điểm yếu, phát triển kiến thức. Chỉ có như vậy bạn mới có thể phát huy tiềm năng của mình và tạo ra được giá trị cho công ty trong tương lai. Nên học các kỹ năng sống mà ngành nào cũng yêu cầu như viết, tư duy phản biện, lắng nghe tích cực, giải quyết vấn đề, hợp tác hiệu quả với người khác. Bạn cũng đừng quên cuộc sống bên lề công việc. Nên dành thời gian xây dựng những mối quan hệ bạn bè có ý nghĩa, xây dựng thói quen sống lành mạnh, tham gia vào các hoạt động mà mình ưa thích. Những kỹ năng này, cùng với kỹ năng làm việc, sẽ giúp bạn thành công trong tương lai.
GIAI ĐOẠN 2: HỨA HẸN
Trong 3 đến 10 năm tiếp theo, giá trị của bạn được công nhận qua mức lương, sự thăng tiến, được giao những nhiệm vụ quan trọng và gặp gỡ những người mentor giỏi. Ta cần tiếp tục tìm hiểu những tài năng và vấn đề mình quan tâm, nhưng cũng bắt đầu phát triển những kỹ năng chuyên môn đặc biệt. Và nhớ là hãy cống hiến, đóng góp nhiều giá trị cho công ty mà mình làm việc. Một trong những muc tiêu của giai đoạn này là chứng minh sự tín nhiệm của cấp trên dành cho tiềm năng của bạn. Hãy chứng tỏ mình là người có thể làm được, luôn hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn, chất lượng công việc tốt hơn mong đợi dù đó là nhiệm vụ gì, và luôn hỏi những câu hỏi cần thiết nhất. Mục tiêu thứ 2 của giai đoạn này là định vị mình cho tương lai bằng cách luân chuyển công việc qua những vị trí khác nhau, và môi trường khác nhau. Bạn nên hỏi mình những câu hỏi sau. Một là bạn quan tâm đến vị trí làm kinh doanh hay vị trí hỗ trợ. Hai là bạn có kỹ năng và thích quản lý đội ngũ không. Câu trả lời sẽ đến sau một thời gian trải nghiệm công việc khác nhau, công ty khác nhau, hay ngành nghề khác nhau. Đây là giai đoạn phát triển kỹ năng và quản trị sự nghiệp của mỗi người.
GIAI ĐOẠN 3: THĂNG HOA
Những năm sau đó, uy tín và kinh nghiệm thực tế giúp bạn trở nên nổi tiếng trên thị trường. Đây là lúc giá trị thật của bạn quan trọng hơn tiềm năng. Đây là lúc bạn gặt hái thành công nhờ vào kinh nghiệm, trải nghiệm, vị thế, kỹ năng, và chuyên môn. Các công ty trong và ngoài ngành sẽ luôn để ý đến bạn. Ngoài tiếng tăm trên thị trường, đây cũng là giai đoạn bạn xây dựng đội ngũ. Có trở thành lãnh đạo cấp cao được hay không là do kỹ năng phát triển và quản trị đội ngũ của bạn trong giai đoạn này. Nên xây dựng vị thế của mình là nam châm thu hút nhân tài, người xây dựng văn hoá tích cực trong công ty, làm cho nhân tài khắp nơi đều muốn qui tụ, và nhờ vậy mà bạn phát triển được một đội ngũ hiệu quả. Giai đoạn này là lúc bạn mở lòng ra giúp đỡ, hỗ trợ phát triển người khác, trở thành một người lãnh đạo luôn tích cực, quan tâm, và giúp đỡ nhân viên hay đồng nghiệp của mình. Bạn càng làm tốt việc mở lòng bao nhiêu bạn càng được sự ủng hộ và giúp đỡ để thăng tiến tiếp theo trong nghề nghiệp bấy nhiêu.
YouthMentor
Các mentor có thể bạn quan tâm