LÀM SAO ĐỂ CÂN BẰNG VIỆC HỌC VÀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ?
Bài viết là chia sẻ của anh Phạm Phong.
_____________________________________
Giới thiệu một chút, mình tên là Phong, hiện đang làm Sales Executive trong lĩnh vực Sales IT B2B cho thị trường Nhật Bản của một doanh nghiệp Việt Nam. Mình đã tốt nghiệp FTU và đi làm trong lĩnh vực này được hơn 1 năm.
Trước khi mọi thứ trở nên cũ và lỗi thời, mình đã note lại những trải nghiệm, phương pháp của bản thân trong việc học tập, hoạt động ngoại khoá và cách để cân bằng hai thứ này trong mấy năm học đại học. Nay share lên đây với hy vọng sẽ là một nguồn tham khảo cho những bạn nào vẫn đang đi tìm và xây dựng phương pháp học tập của bản thân. Bài viết mình viết khá chi tiết (dĩ nhiên vẫn chưa đầy đủ hết) nên cũng tương đối dài, mong là sẽ có người đọc đến cuối.
Note: Bài viết được viết dựa trên quan điểm/trải nghiệm cá nhân và những gì mình học tập được từ những anh chị tiền bối (mình đã từng share trên FB cá nhân). Và chỉ mang tính chất tham khảo ạ.
Một chút thành tích hồi đại học mà mình vẫn luôn tự hào:
- Tốt nghiệp Á khoa chuyên ngành Tiếng Nhật Thương Mại K55 FTU loại Xuất sắc.
- Đã từng giữ chức vụ Lớp trưởng; trưởng Ban, chủ tịch CLB Tiếng Nhật FTU; Ban chi uỷ CBSV 2 FTU.
- Tiếng Nhật JLPT N1; Tiếng Anh TOEIC 915; Chứng chỉ Kế toán tiếng Nhật cấp 3.
- Đạt học bổng khuyến khích học tập FTU 4/8 kỳ.
- Giải nhì cuộc thi Hùng biện Tiếng Nhật Nasic Cup 2018.
- Đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt cấp thành phố 2019”; “Chiến sĩ tình nguyện 2017”; “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" năm 2017, 2018, 2019, 2020; “Sinh viên tiêu biểu K55 FTU" của thầy Hiệu trưởng; “Sinh viên có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên" của Đoàn thanh niên FTU.
- Đạt học bổng chính phủ Nhật Bản 2021 (MEXT) cho chương trình Thạc sĩ MBA.
Những ai nên đọc bài viết này?
1. Không phải là một người “sinh ra đã giỏi"
Nếu bạn đang nghĩ rằng những gì mình sắp chia sẻ là những thứ cao siêu, viển vông vì có những bạn giỏi trong máu rồi thì xin chúc mừng: bạn vẫn là đối tượng hợp lệ của bài viết này.
Lấy ví dụ là chính bản thân mình, ban đầu mình không phải là một bạn học khá, cụ thể mình đã có những kỳ học đau đớn đen tối với những điểm số nát bét (GPA 2.7x, một kỳ có đến 2 con C và 1 con D). Và điểm số của mình chỉ được cải thiện dần khi mình có được những phương pháp phù hợp và đúng đắn (GPA 4 năm của mình là 3.7/4, không phải là cao so với nhiều bạn khác nhưng mà ở mức mình hài lòng).
Vậy nên, nếu bạn đang trong tình trạng GPA thấp, thậm chí là học lại thi lại nhiều thì cũng đừng vội mất niềm tin vào cuộc sống, hãy nhìn theo hướng tích cực rằng đó là những trải nghiệm (chưa vui) nhưng nên thử ở thời đại học (không quá nhiều là được). Chính mình cũng phải học lại, thi lại vài lần.
2. Là những người đặt mục tiêu cao trong việc cân bằng học tập và ngoại khoá
Hoạt động ngoại khóa (CLB, Đoàn, Hội, nhóm,...) là một cách tuyệt vời để các bạn rèn luyện bản thân, mở rộng mối quan hệ và trau dồi kỹ năng mềm. Nên có cơ hội thì các bạn đừng bỏ qua những hoạt động này nhé! Không là tiếc đó!
Nếu bạn không đặt mục tiêu song song như trên thì các bạn có thể tham khảo chỉ những phần các bạn quan tâm nha (hoặc là học tập, hoặc là ngoại khoá). Còn nếu bạn không đặt mục tiêu nào trùng với hai cái trên thì bạn cứ đọc thôi (nếu có thời gian), nhưng mà chắc sẽ không có ích gì mấy cho các bạn.
Lý do là vì không phải ai học tốt, hoạt động ngoại khoá giỏi thì sẽ thành công và hạnh phúc. Mình biết rất nhiều người điểm số không tốt, không ngoại khóa nhiều nhưng vẫn rất thành công. Hay nhiều người bỏ ngang đại học mà giờ mình còn phải đuổi theo chán. Còn có những người thành tích một núi, người ngoài ngưỡng mộ nhưng bản thân họ thì lại luôn bất an, lo lắng và thậm chí tự gọi mình là loser. Vì vậy mình không bàn luận về việc như nào sẽ được coi là tốt, là hướng đi đúng đắn. Quan trọng là các bạn hiểu bản thân mình cần gì, muốn gì và các bạn happy với điều đó là được ạ.
Một vài thói quen quan trọng giúp bạn nhanh đến đích
1. Đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng theo phương pháp SMART
Trước khi bắt tay vào làm một việc gì, các bạn hãy tập cho mình thói quen suy nghĩ xem mục đích mình làm công việc đó là gì, và kết quả mình mong muốn ra sao. Mình vẫn hay nói việc này kiểu như mình giải một bài toán, nếu bạn cứ lao đầu vào giải đề mà không biết yêu cầu của đề bài/kết quả cần giải ra của bài toán là gì thì chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn và không biết kết quả mình làm ra có thực sự đúng hay không, có thực sự là cái mình cần hay không.
Việc này nói nghe tưởng chừng dễ nhưng lại rất khó. Các bạn có thể ngồi tịnh tâm, chọn những thời điểm thích hợp và viết ra những mục tiêu của mình (viết ra đâu cũng được nhưng phải viết, đừng để nó trong đầu). Hãy phân chia càng cụ thể, càng rõ ràng càng tốt và hãy phân chia thành những nhóm mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn; và nhớ đặt mục tiêu trong 1 khoảng thời gian phù hợp để có thể review lại và cải thiện (có thể đặt là 1 giai đoạn, 1 kỳ học hoặc 1 năm học).
Một phương pháp đặt mục tiêu mà mình hay áp dụng là phương pháp SMART (kể cả hiện tại khi đã đi làm mình vẫn dùng). SMART là viết tắt của 5 tính chất mà một mục tiêu phải có: cụ thể (specific), tính toán được (measurable), có khả năng thực hiện (achievable), phù hợp (relevant), và kiểm soát thời gian (time-bound). Nếu muốn tìm hiểu thêm các bạn có thể search google là ra rất nhiều nha.
Sau khi đã viết ra, các bạn có thể share với bạn bè, dán giấy note ở bàn học để tự nhắc nhở bản thân, hay là cất giữ cho riêng mình thì tuỳ nhé. Ở trên mình đang để theo thứ tự tạo ra động lực từ nhiều đến ít (việc share mục tiêu của mình như là một lời cam kết cũng là một cách tạo động lực cho bản thân).
2. Lập kế hoạch chi tiết
Khi đã có mục tiêu rồi thì việc quan trọng tiếp theo các bạn nên làm là xây dựng cho mình kế hoạch phù hợp để đạt được mục tiêu đó một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Các bạn cứ hiểu kế hoạch này như là con đường để dẫn bạn đến mục tiêu vậy. Mình sẽ chia sẻ cách lập kế hoạch chi tiết hơn ở từng phần bên dưới.
Phương pháp học tập hiệu quả
1. Đặt mục tiêu GPA (phần này mình share theo chương trình học ở FTU)
Ở trên mình đã đề cập đến việc đặt mục tiêu rồi nên ở phần này mình cứ thế áp dụng thôi. Hãy tìm hiểu kỹ các mức xếp loại tốt nghiệp, về điểm số, về điểm rèn luyện, và những điều kiện khác. Ví dụ, nếu bạn đặt mục tiêu tốt nghiệp Xuất Sắc: GPA của bạn phải tối thiểu đạt 3.6; Điểm Rèn luyện từ Tốt (80 điểm) trở lên; Không được có nhiều hơn 4 hay 6 tín F gì đó (2 cái sau mình không nhớ chắc chắn).
Các bạn có thể tham khảo một công cụ hữu ích (nói là file thì đúng hơn, mỗi tội phần giao diện hơi lỗi thời) giúp bạn kiểm soát được tình hình và nắm được tình trạng của bản thân. File này mình xin được từ những anh chị khóa trước, khi chúng ta nhập điểm GPA mục tiêu và điểm hiện tại vào thì nó sẽ tính toán cho chúng ta xem để đạt được mục tiêu đó, các bạn cần phải đạt tối thiểu bao nhiêu điểm A và bao nhiêu điểm B v.v… File này sẽ cực kỳ hữu ích cho các bạn đó. ;)) Nhớ tìm hiểu xem ngành của mình cần tích lũy tổng bao nhiêu tín chỉ nha (trừ các môn thể chất và giáo dục quốc phòng ra vì những môn này không tính vào GPA).
Link tải (PW là moshub nha. Cái này là file dùng cho sinh viên FTU nhưng mình nghĩ mọi người đều có thể tham khảo được nếu trường bạn GPA cũng tính theo thang điểm 4)
2. Phân loại từng nhóm môn học
Sau khi đã có mục tiêu, đã có công cụ hỗ trợ là file ở trên, hãy tiếp tục làm thao tác phân loại. Trong số những môn học còn lại, tự các bạn hãy đánh giá xem đâu là môn học sẽ tốt cho mình nhiều sau này (cái này tuỳ vào chuyên ngành của các bạn), đâu là môn mà mình có thể đạt điểm A nếu mình tập trung nguồn lực và phân nó thành 2 (hoặc 3) nhóm.
Ví dụ: nhóm môn học phải được A; nhóm môn học cần tối thiểu B; nhóm môn học được C cũng chấp nhận (nếu quá tuyệt vọng).
Khi bạn làm đến bước này thì mọi thứ đã rõ ràng hơn khá nhiều, bạn biết mình cần tập trung nguồn lực vào đâu, cần phải cố gắng ở đâu và những chỗ nào mình không nên mất quá nhiều thời gian vào nó (vì dù nó có thấp thật thì vẫn trong tầm kiểm soát và tính toán trước của bạn).
3. Tính toán chi tiết điểm thành phần của từng môn
Hầu hết các môn đều chia theo tỉ lệ: 10% điểm CC, 30% điểm GK và 60% điểm CK (ở FTU là vậy, trường khác mình không rõ lắm). Cũng làm thao tác tương tự như ở trên, môn nào đặt mục tiêu A thì bạn phải tính toán làm sao để nó đi đúng kiểm soát của mình, ví dụ có điểm CC và GK rồi thì xem CK mình phải đạt tối thiểu bao nhiêu. Còn mấy môn đã đặt target từ đầu là B hoặc C rồi thì các bạn chỉ cần cố gắng đạt điểm tối thiểu (tuỳ vào thời gian và nguồn lực lúc đó nữa), vì 7.0 là được B rồi nhưng A thì phải là 8.5, một khoảng cách rất lớn đó. Thời gian đó mình có thể làm những việc khác mà mang lại được hiệu quả nhiều hơn.
À còn một cái nữa là đừng bao giờ đánh mất điểm CC một cách vô tội vạ, nếu không muốn một ngày nhận một con F to đùng chỉ vì lý do không đủ điểm CC (Trên 4 điểm). Nói vậy thôi các bạn tự hiểu nha.
4. Hãy hỏi kinh nghiệm của những người đi trước
Mình sắp xếp mục này lên trên mục khác là có chủ đích đó ạ.
Kinh nghiệm xương máu, hãy xin kinh nghiệm của những người đi trước. Mình đã từng xem thường việc này và lãnh trọn 1 con D và vài con C. Mình nghĩ lý do ở đây đơn giản là mỗi thầy cô có những cách dạy khác nhau, và kiến thức các thầy cô muốn truyền đạt đến sinh viên có thể cũng khác nhau dù là cùng một môn. Nếu các bạn cứ tự theo ý mình mà phớt lờ đi những ý mà thầy cô muốn truyền đạt (những kiến thức vận dụng thực tế) mà cắm đầu vào học sách giáo trình thì có thể đó sẽ là một cách học sai.
Hỏi ở đây là hỏi về phạm vi học, những kiến thức nên tập trung, cách làm bài thi,... chứ đề thi thì mỗi năm một khác mà hehe.
5. Trong quá trình học
Môn nào muốn được A thì phải học nghiêm túc, không còn cách nào khác đâu. Các bạn có thể ngồi lên những dãy phía trên, trong quá trình học hãy chịu khó phát biểu (nhiều thầy cô có cộng điểm vào điểm CC, GK hoặc thậm chí CK cho những bạn hay phát biểu), note lại những điểm mà thầy cô nhấn mạnh, và có thời gian thì nên ghi chép bài đầy đủ. Mình biết là để nghiêm túc một môn không phải dễ (đặc biệt là môn nào mình không thích) nhưng mà tất cả sẽ quay về bước bạn đặt target môn nào A, môn nào B, môn nào C v.v...
6. Cách ôn thi hiệu quả
Hãy dành thời gian phù hợp ôn tập trước mỗi kỳ thi, thường là từ 1-3 tuần (tuỳ vào mức độ khó và độ quan trọng của bài thi). Nhưng đừng nước đến chân mới nhảy (thực ra mình cũng thi thoảng vậy nhưng không thường xuyên, hoặc có những môn mình đã học chắc rồi không cần ôn tập nhiều thì cho phép bản thân làm vậy).
Tiếp theo, hãy đọc kỹ yêu cầu, hướng dẫn của giảng viên và khoanh vùng những nội dung kiến thức cần phải học kỹ. Và đọc lại, note lại những điểm quan trọng/hay quên/hay sai bằng highlight để khi xem lại sẽ nhanh và tập trung hơn.
Nếu có đề cương, hãy làm đề cương đó bằng cách viết câu trả lời hoàn chỉnh. Nếu bạn viết ra thì sau gặp lại câu hỏi đó tốc độ làm bài của bạn sẽ tăng lên đáng kể đó. Và cũng nhớ được lâu hơn là chỉ ôn mồm hoặc ôn nhẩm.
Và cuối cùng, nếu có một người bạn cùng tiến hay nhóm bạn gì đó thì hay tổ chức học nhóm. Có cơ hội thì hãy thử giải thích, giảng bài cho một bạn khác và tranh luận cùng nhau. Việc này sẽ giúp bạn có động lực hơn vì không lonely và sẽ hiểu được bản chất một cách kỹ lưỡng hơn.
4. Hoạt động ngoại khoá hiệu quả
1. Hãy đặt mục tiêu
Vẫn là chuyên mục đặt mục tiêu, hãy đặt rõ bạn muốn hoạt động tại tổ chức nào, hoạt động nhiều hay ít, có giữ chức vụ key nào trong tổ chức đó hay không, và thứ mình đóng góp được + mong muốn nhận lại được từ tổ chức đó là gì.
Khi có bức tranh toàn cảnh rồi thì cứ thế mà làm thôi. Như mình thì mình muốn làm vị trí key ở các tổ chức mình sinh hoạt, và tham gia ngoại khoá được càng nhiều càng tốt. Nên có cơ hội và sắp xếp được thời gian là mình tham gia hết.
2. Tìm cho mình một Mentor tốt
Hãy tìm cho mình một người Mentor tốt để chỉ dạy cho mình. Và kiếm cho mình những người bạn đồng hành cùng mình trong tổ chức đó. Khá bất ngờ là hầu hết những người bạn thân của mình cho đến hiện tại lại là những người mà mình quen được thông qua quá trình hoạt động ngoại khoá. Và mình nghĩ là nhiều bạn khác cũng giống như mình.
3. Hãy thay đổi tư tưởng
Là sinh viên chạy deadline các hoạt động ngoại khóa thì áp lực thật nhưng sau này ra trường bạn mới thấy nó rất nhỏ bé. Vì thế, hãy coi như đây là một cơ hội tốt để mình được trau dồi bản thân, học hỏi cái mới và giúp bạn tạo được những mối quan hệ tốt đẹp. Đây cũng là cách để rèn luyện khả năng chịu đựng áp lực của bản thân, và sau này đi làm sẽ không bị bỡ ngỡ quá nhiều.
Bản thân mình cũng phát triển và trưởng thành hơn rất nhiều thông qua việc hoạt động ngoại khóa ở FTU. Nên dù ai nói ngả nói nghiêng, mình vẫn rất tự hào về món đặc sản này của FTU.
Cách để cân bằng
1. Đặt mục tiêu
Lại là đặt mục tiêu. Bước này là bước dành cho bạn nào target vào cả 2 thứ trên thôi. Đến bước này thì các bạn link nó lại, khi đó các bạn sẽ thấy một hình ảnh của bản thân mà mình đang hướng đến và cố gắng phấn đấu để trở thành. Kiểu tìm ra chân lý thời đại học á.
2. Hãy biết thứ tự ưu tiên
Mọi nguồn lực đều có hạn, thời gian, sức lực, sự tập trung, sức khỏe, tiền bạc,... của chúng ta cũng vậy. Vậy nên, trong những mục tiêu mình đề ra (trong trường hợp này là học tập và hoạt động ngoại khóa) bạn cần biết đâu là mục tiêu chính mà mình cần ưu tiên hơn.
Không tránh khỏi việc chúng ta đặt mục tiêu chưa chính xác, chưa phù hợp với nguồn lực bản thân. Nên việc này sẽ giúp chúng ta không bị mất phương hướng và không bị kiểu nhụt chí khi chúng ta thất bại.
3. Nghỉ ngơi khi cần thiết
Làm gì thì làm nhưng hãy biết lắng nghe cơ thể khi cần thiết nha, nhắc lại là chỉ những khi cần thiết. Chứ ngày nào cơ thể cũng muốn nằm dài lướt FB, Tinder thì không được đâu. Mệt mỏi, stress,... những lúc đó hãy để cơ thể nghỉ ngơi, tìm người để lắng nghe chia sẻ và tìm lại động lực nha.
Nói thêm, về việc quản lý thời gian, mình cũng chưa giỏi việc này nhưng mà các bạn có thể xem video này trên TED Talks.
Link cho ai quan tâm.
Lời khuyên cho các bạn
1. Hãy đọc sách
Cái này sẽ hơi khó đối với những bạn không có thói quen hoặc sở thích đọc sách. Nhưng nếu có thời gian, hãy thử tìm đọc 1 vài cuốn sách vì nó sẽ cho bạn những gợi ý để áp dụng vào bản thân.
Còn về lợi ích của thói quen đọc sách thì chắc các bạn nghe nhiều lắm rồi, mình không nói thêm nữa. Một vài cuốn sách mà có tác động tích cực đến mình hồi còn là sinh viên (gợi ý thui nha nếu các bạn có quan tâm): Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, 7 thói quen để thành đạt.
2. Hãy học ngoại ngữ
Không phải cứ giỏi ngoại ngữ là bạn sẽ thành công, lương cao rồi các thứ abcxyz khác. Mình có nghe được một so sánh của một thầy giáo và mình thấy rất hay, đó là ngoại ngữ giống như một cái vốn. Việc bạn có giàu hay không còn phụ thuộc vào bạn sử dụng vốn đó như thế nào. Nhưng mà nhiều vốn chắc chắn tốt hơn là ít vốn.
Và thời đại toàn cầu hoá như bây giờ, việc các bạn biết ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) gần như đã là bắt buộc với phần đa các công việc văn phòng. Vậy nên khi còn là sinh viên, khi còn có nhiều thời gian cho việc học, hãy cố gắng học ngoại ngữ. Không cần biết quá nhiều ngoại ngữ, nhưng hãy cố gắng học nó đến level có thể dùng được.
3. Học tin học văn phòng, các công cụ google
Nghe thì đơn giản nhưng mà lại khá nhiều bạn bỏ qua. Nhiều bạn đi làm rồi vẫn đánh máy kiểu mổ cò, không biết dùng word, excel, email, google drive,... Nếu hiện tại bạn đang chưa nắm được cơ bản này thì hãy học càng nhanh càng tốt nếu không muốn mình thành người lạc hậu và tối cổ. Trừ khi bạn làm việc chân tay, còn nếu bạn làm việc văn phòng thì đây là những công cụ không thể thiếu.
4. Hãy trải nghiệm nhiều nhất có thể
Có cơ hội hãy đi thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều, và nếu được hãy tham gia tình nguyện xã hội. Mặc dù bản thân mình chưa giúp được nhiều (mình biết chứ) nhưng các bạn sẽ nhận ra được nhiều điều, và có nhiều trải nghiệm đáng nhớ, mình tin là vậy.
Và đừng ngại giao tiếp, làm quen, kết bạn. Bạn không thể biết rằng liệu cái đứa ngày xưa mình vô tình quen lại là một đối tác, một người bạn đồng hành hoặc có thể là người bạn đời trong tương lai hay không đâu ạ. :v Có nhiều mối quan hệ (theo hướng tích cực) sẽ giúp chúng ta nhiều thứ sau này khi mà ra ngoài xã hội (chia sẻ của một đứa mới vào đời thui ạ).
5. Ba điều luôn cố gắng: cầu tiến, nhiệt tình, trách nhiệm
Như ở tiêu đề của nó ạ. Các bạn hãy luôn giữ cho mình thái độ cầu tiến, sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm với mỗi công việc mình làm. Đây là 3 thứ mình luôn cố gắng trong thời gian học đại học (mặc dù nhiều lần vẫn làm chưa tốt) và đã có được những đền đáp xứng đáng. Hãy cứ cố gắng và rồi ngày mình hưởng quả ngọt sẽ đến sớm.
Cảm ơn mọi người đã đọc tới cuối, hy vọng bài viết hữu ích với các bạn! Chúc các bạn sẽ sớm tìm được một phương pháp phù hợp với bản thân mình và sẽ sớm đạt được những mục tiêu mà mình đã đặt ra.
__________________________________________
Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?
Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...
TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!
Các bài viết liên quan
CAREER ANCHOR - GIÁ TRỊ CỐT LÕI VÀ 6 BƯỚC BẮT ĐẦU ĐỊNH HƯỚNG SỰ NGHIỆP
TRƯỚC KHI XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CÔNG VIỆC YÊU THÍCH CỦA MÌNH, HÃY THỬ TỰ TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI SAU NHÉ!
CHƯA RÕ VỀ NGÀNH, VỀ NGHỀ HỌC QUA ĐÂU LÀ NHANH NHẤT?
CHÚNG TA CHƯA CÓ GÌ ĐỂ MẤT CẢ, SAO KHÔNG THỬ?
TRONG CUỘC SỐNG, AI CŨNG CÓ MỘT "MÀU" RIÊNG
TẠI SAO THAM GIA CÁC TỔ CHỨC SINH VIÊN LẠI LÀ MỘT ĐIỂM CỘNG?
SINH VIÊN NÊN LÀM Ở BIG CORP (CÁC CÔNG TY LỚN) HAY START-UP?
LẠC LỐI GIỮA NHỮNG LỰA CHỌN, LÀM SAO TÌM ĐƯỢC LỐI RA?
Các mentor có thể bạn quan tâm
2021-09-30 09:20:39
Password của file tính GPA là moshub mọi người nha <3
2021-09-13 21:30:13
Em cảm ơn bài chia sẻ rất bổ ích, anh có thể cho em xin mật khẩu của file tính GPA ko ạ?