KIỂM TOÁN VIÊN NỘI BỘ – KIỂM TOÁN VIÊN ĐỘC LẬP

Chào mọi người, mình là Thanh Sơn, hiện đang làm Kiểm toán viên nội bộ (Internal Auditor - IA) cho Vietnam Airlines (VNA). Kể từ giai đoạn mình ra trường (2012) cho đến nay, kiểm toán vẫn luôn là một trong những ngành nghề hot và được nhiều bạn sinh viên lựa chọn là mục tiêu khi tốt nghiệp. Hôm nay, mình sẽ không đề cập đến các thông tin về các chương trình Intern/Fresh Graduate của Big4 và các công ty kiểm toán Việt Nam, cũng như cách thức ôn luyện cho các kỳ thi này do các bạn có thể dễ dàng tìm thấy từ nhiều nguồn khác nhau. Thay vào đó, với việc đã trải qua cả vị trí kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ, mình có một số sharing đối với các bạn đang muốn tìm hiểu thêm về vị trí kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp, một nghề còn tương đối lạ lẫm với nhiều bạn.

Bản thân cái tên “nội bộ” – “độc lập” cũng phần nào chỉ ra được vị trí của các kiểm toán viên: một bên là người lao động của doanh nghiệp, một bên là người được doanh nghiệp thuê. Với kiểm toán viên độc lập, đối tượng mà họ thực hiện kiểm toán là BCTC và các thông tin có liên quan; còn kiểm toán viên nội bộ thì đối tượng kiểm toán của họ về cơ bản là các quy trình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài ra họ còn thực hiện các yêu cầu khác của HĐQT/HĐTV của doanh nghiệp.
Từ đó, các bạn có thể hình dung được những người làm việc trực tiếp với kiểm toán viên độc lập là bộ phận Tài chính – Kế toán của doanh nghiệp, còn đối với kiểm toán viên nội bộ, công việc của họ liên quan đến tất cả các phòng ban, bộ phận trong doanh nghiệp (đôi khi là cấp cao nhất), do đó đối tượng tiếp xúc làm việc của kiểm toán viên nội bộ cũng đa dạng hơn nhiều.
KIẾN THỨC – KỸ NĂNG
Dù là kiểm toán viên nội bộ hay kiểm toán viên độc lập, về cơ bản điều bạn cần là phải nắm vững các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của ngành kiểm toán (trừ phi bạn là expert trong lĩnh vực khác). Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp cũng rất quan trọng, vì người làm việc với bạn có thể sẽ không có cùng “ngôn ngữ” với bạn đâu (thử tưởng tượng nói chuyện về tính pháp lý của một văn bản với một anh kỹ sư tin học thì chắc anh ấy nghĩ mình đến từ sao Hỏa mất). Ngoài ra, theo mình quan sát thì hiếm có doanh nghiệp nào tuyển dụng vị trí kiểm toán viên nội bộ là các bạn sinh viên mới ra trường hết, hầu như yêu cầu tối thiểu từ 1-2 năm kinh nghiệm làm việc.
Nói về điểm chung rồi, ta nói đến điểm khác biệt nhé. Theo mình thấy, điểm khác biệt lớn nhất về kiến thức giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập chính là ở mức độ chuyên sâu đối với ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với kiểm toán độc lập, kiến thức về hoạt động của doanh nghiệp (nói nôm na là chuyên ngành hẹp) chỉ cần ở mức vừa phải, đáp ứng cho công tác kiểm toán BCTC của doanh nghiệp thôi. Ngược lại, kiểm toán viên nội bộ phải liên tục mở rộng kiến thức chuyên ngành hẹp của mình, vì cái mà họ kiểm toán chính là các quy trình, hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Ngoài ra, kỹ năng tin học cũng là một điểm khác biệt lớn. Nếu làm kiểm toán độc lập, bạn chỉ cần thành thạo Word, Excel, Powerpoint (nếu có thêm kỹ năng Visio nữa thì càng tuyệt) là đã có thể yên tâm có thể làm được hầu hết các công việc; tuy nhiên nếu là kiểm toán nội bộ, thông tin, dữ liệu bạn được tiếp cận có thể sẽ lớn hơn rất nhiều, và dĩ nhiên khi đó Excel chưa bao giờ là công cụ xử lý hiệu quả đối với lượng dữ liệu đồ sộ (ví dụ như Ngân hàng hay các doanh nghiệp có quy mô lớn). Lúc đó nếu bạn có thêm các kỹ năng tin học cao hơn một chút (SQL, PowerBI, Tableau,…) thì rõ ràng công việc của bạn đã dễ thở hơn phần nào.
BẰNG CẤP – CHỨNG CHỈ
Ở Việt Nam, hiện nay để trở thành kiểm toán viên độc lập (được ký báo cáo kiểm toán), bạn phải trải qua kỳ thi được tổ chức bởi Bộ Tài chính hàng năm, sau khi đỗ thì mới được cấp chứng chỉ Kiểm toán viên. Theo mình được biết thì hiện nay số lượng người có chứng chỉ Kiểm toán viên của Bộ Tài chính khoảng gần 6.000 người.
Ngược lại, chưa có quy định cụ thể về loại chứng chỉ mà kiểm toán viên nội bộ phải sở hữu. Với việc Viện kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (Institutes of Internal Auditor - IIA) mới thành lập phân viện tại Việt Nam, có thể coi chứng chỉ CIA (Certified Internal Auditor) được cấp bởi IIA là một trong những chứng chỉ thể hiện bạn đã được đào tạo bài bản về các nghiệp vụ, kỹ năng để trở thành một kiểm toán viên nội bộ trong tương lai.
Với nhiều điểm chung về kiến thức, kỹ năng cũng như nghiệp vụ, kiểm toán viên nội bộ có thể là một lựa chọn khác cho các bạn sau khi đã trải qua vài năm kinh nghiệm làm kiểm toán độc lập, bên cạnh các vị trí như kiểm soát tài chính, kế toán…

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết