ĐỪNG ĐẠI TRÀ NỮA, THẾ GIỚI NÀY ĐÃ QUÁ NHIỀU NGƯỜI ĐẠI TRÀ RỒI!
Hôm trước mình đi họp lớp, họp trường nhân kỷ niệm 60 năm trường Ngoại Thương (FTU). Sau 15 năm gặp lại các bạn cũ thật sự hết hồn.
Quay bên trái là giám đốc, quay bên phải là CEO, quay sang ngang là chuyên gia cao cấp của chính phủ, quay đằng sau là founder start-up… nghe tên công ty tổ chức mà ù cả tai.
Đi gặp mặt giao thương hội cựu SV thì còn hết hồn hơn. Toàn những gương mặt thân quen đã từng cùng mình lớn lên thời sinh viên, cùng CLB, cùng học hành với nhau, mà giờ toàn chủ tịch HĐQT với CEO, Shark, hoặc chủ sở hữu chuỗi mấy trăm cửa hàng, XNK hàng hoá đi toàn cầu, suốt ngày thấy lên Tivi với lên báo chí trả lời phỏng vấn, toàn chức danh kêu leng keng hết cả.
Bạn nào cũng vừa đẹp, vừa giỏi, vừa tài năng. Bạn nào cũng thành danh. Toát cả mồ hôi.
Chúc các em sinh viên của Mentori, 10-15 năm nữa gặp lại, cũng thành giám đốc hết nhé.
Nhân chuyện này, mình xin kể cho các em nghe, những người thành đạt của ngày hôm nay, cũng là những người bạn cùng khoá (trên, dưới vài khoá) mà mình biết, họ đã làm gì trong thời sinh viên nhé. Để tránh bài dài lê thê, mình chỉ kể các bạn ấy đã làm thêm gì thôi nha. Còn việc tham gia hoạt động XH, học, xây dựng sự nghiệp, du học...mình sẽ kể sau.
1. Rất ít làm những việc đại trà
Công việc đại trà cách đây 15 năm sẽ là: phục vụ quán ăn, quán cafe, bán hàng tại shop, phát tờ rơi, gia sư... Hiện nay, các công việc đại trà thường thấy là: (vẫn) gia sư, livestreamer, bán hàng online, chốt đơn, xe ôm công nghệ...
Mình thấy gần như những người xuất sắc không đi làm các công việc này. Họ có nhiều lựa chọn tốt hơn để trải nghiệm. Profile của họ sẽ đặc biệt hơn, trải nghiệm của họ sẽ phong phú hơn.
2. Khởi nghiệp từ sớm
Một số bạn khởi nghiệp từ năm thứ 2,3. Đi lên từ ý tưởng mà các bạn dùng để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Một số vẫn theo đuổi đến tận bây giờ, một số thì dừng lại sau vài năm, một số chuyển đổi mô hình và thành công ty to to ở mảng khác. Nhưng nhìn chung, các bạn khởi nghiệp sớm đều có nhiều năm dày dạn thương trường nên đều giỏi giang và thành công cả.
3. Dịch sách, dịch tài liệu, dịch video
Thời đó Tiếng Anh, Nhật, Trung cực hot (trường khác còn có ngôn ngữ Hàn cũng siêu hot). Chỉ cần năm thứ 2, có chút ngôn ngữ là đã có thể dễ dàng kiếm được một công việc dịch thuật với thu nhập khá tốt. Mình biết có nhiều bạn đã dịch vài cuốn sách và được đứng tên trên bìa sách. Một số bạn nhận tài liệu về dịch. Một số nhận dịch video của đài truyền hình. Nghe băng video, chép ra TA, rồi dịch sang TV để đài truyền hình làm phụ đề. Công việc khó, mất nhiều thời gian nhất, nhưng đổi lại được rất nhiều tiền tiêu rủng rỉnh.
4. MC truyền hình
Thời điểm sau năm 2000, có một bước chuyển mình lớn của VTV (sau này là HTV và VTC đi theo), đó là đổi mới cách thức chuyển tải nội dung phóng sự. Bắt đầu từ tuyển mới toàn bộ MC thời tiết. Thay vì những hình ảnh buồn chán và giọng đọc nền, trên màn hình bắt đầu xuất hiện các cô gái xinh đẹp đứng chỉ trỏ hôm nay trời nắng, ngày mai trời mưa, ngày kia trời rét.
Tiếp đến là MC cho các kênh ca nhạc, tạp kỹ, gameshow, trò chuyện... Đó là thời điểm nở hoa rực rỡ của các chương trình tuyển MC truyền hình. Trường ĐH Ngoại Thương khi đó phải có đến hơn 10 cô vừa xinh lồng lộn vừa nói giỏi làm MC của VTV, chưa kể ở các đài khác nữa. Các cô gái này xinh tươi rực rỡ, đi vào trường bạn bè xung quanh ngưỡng mộ, ánh hào quang tỏa ra chói cả mắt. Sau này, một số tiếp tục theo ngành MC đến giờ, một số thì chuyển ngành khác, nhưng độ xinh đẹp và tài năng thì vẫn không thuyên giảm.
5. Viết báo
Thời đó chưa có tuyển CTV content ầm ĩ như hiện nay. Mạng xã hội chỉ có Yahoo, mấy năm sau đó mới có Facebook. Các doanh nghiệp cũng chưa xuất hiện nhiều trên các trang MXH để cần nhiều content. Nên bạn nào có khả năng viết lách thì có thể viết báo. Viết báo, dịch bài cho báo là cách rất hay để vừa luyện câu chữ, vừa kiếm tiền rủng rỉnh, vừa tích lũy thành tích vào hồ sơ. Những bạn viết báo sau này hay đi làm PR, Truyền thông, Marketing rất thành công.
6. Trợ giảng
Đây không phải là công việc trợ giảng tại các trung tâm Tiếng Anh như hiện nay, vì thời đó có rất ít trung tâm. Nhưng có một số chương trình thạc sĩ của nước ngoài đưa về VN giảng dạy, hoặc các chương trình liên kết quốc tế của các bộ ban ngành nhà nước. Khi đó họ rất cần những người biết ngoại ngữ, mà lại rẻ (như SV FTU) để trợ giảng, giúp dịch tài liệu của giảng viên nước ngoài cho học viên, giúp dịch lại những gì thầy nói mà trò chưa hiểu, giúp cả ti tỉ thứ như chăm con mọn, cả những việc như học viên xin nghỉ, đến muộn, xin nộp bài muộn, xin đổi đề tài… mà họ không giao tiếp được với thầy.
7. Văn phòng đại diện công ty nước ngoài
Đây chắc là công việc rất xịn sò mà mình thấy sinh viên có thể làm được. Cũng nhờ có lợi thế ngoại ngữ, và khan hiếm nhân lực có ngoại ngữ tốt, mà nhiều bạn đã có công việc full time từ năm thứ 4, hoặc part time từ năm 2 tại các văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài tại VN. Công việc thì khá đa dạng, và thu nhập tính bằng đô $ luôn. Nhiều bạn vẫn theo ngành, hoặc theo các công ty đó, và hiện đã có thể lên đến CEO, hoặc các cấp giám đốc gần tương đương.
8. Trợ lý tại các hội thảo, triển lãm quốc tế
Đây là công việc không ràng buộc thời gian, có sự kiện là đi, không có sự kiện thì treo niêu ở nhà. Lương tính theo sự kiện khá cao. Công việc chủ yếu là hỗ trợ các đại diện đến từ nước ngoài tổ chức các hội nghị, triển lãm tại VN, giúp dịch thuật, tư vấn cho khách hàng. Ví dụ triển lãm giáo dục, triển lãm thiết bị máy móc, hội nghị đầu tư...Công việc cực hay giúp cho các bạn học được cách tổ chức công việc, kết giao các mối quan hệ xã hội tốt, mở rộng cơ hội sau này đi du học.
Chắc còn nhiều công việc làm thêm thú vị khác mà có lẽ mình chưa quan sát tổng hợp hết được. Nhưng ít nhất, đó là những công việc rất đặc biệt, thu nhập rất tốt mà mình thấy các bạn 15 năm trước đã làm, để làm ví dụ.
Vì vậy, nếu có thể đưa ra lời xui nào dành cho sinh viên thời nay, chắc mình phải nhắc lại tiêu đề “Đừng đại trà nữa, thế giới này đã quá nhiều người đại trà rồi.”
Cùng là công việc làm thêm, hãy tìm những việc lạ lùng, đặc biệt, “ngầu ngầu” chút. Những trải nghiệm lạ này không chỉ gây ấn tượng “keng một cái” vào đầu nhà tuyển dụng, mà còn là niềm tự hào mãi mãi trong bạn, sau 15 năm kể lại, vẫn thấy tim đập rộn ràng cơ.
___________
Trên đây là phần chia sẻ của chị Mai Mai - CEO GeoLink.vn.
Định hướng nghề nghiệp và phát triển bản thân luôn nằm trong top những mối quan tâm hàng đầu của người trẻ hiện nay - đặc biệt là thế hệ GenZ. Dù bạn dự định theo đuổi một lĩnh vực hay nhắm tới vị trí trong bất kỳ tổ chức nào, chuẩn bị cho mình đủ hành trang tri thức và kỹ năng, biết nắm bắt các cơ hội và đặc biệt, có cho mình những người đồng hành trên con đường sự nghiệp luôn là lợi thế.
Theo dõi thêm các bài viết để sớm tích lũy kinh nghiệm cho mình trên hành trình sắp tới bạn nhé!
Các mentor có thể bạn quan tâm