TRẢI NGHIỆM MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC PwC
Chào các em, chị là Huyền, chị đang làm trợ lý kiểm toán của PwC Hà Nội. Gần đây chị được biết là trong cộng đồng Mentori mình có nhiều bạn sinh viên đang quan tâm và muốn tìm hiểu môi trường làm việc tại Big4 (bao gồm PwC, Deloitte, EY và KPMG) nên chị sẽ chia sẻ về trải nghiệm của chị với PwC Việt Nam với hy vọng có thể giúp các em có thêm thông tin trong quá trình lựa chọn và quyết định tìm “bến đỗ” (tạm thời hoặc lâu dài) cho mình nhé.
Sau 3 mùa bận làm việc trong khối dịch vụ kiểm toán của PwC chị thấy mình cũng có kha khá trải nghiệm với môi trường ở đây. Nhìn chung thì môi trường PwC có ưu điểm là chuyên nghiệp, cởi mở và vui như ở trường học vì có nhiều bạn bè cùng lứa. Ấn tượng lớn nhất trong chị về PwC là văn hóa “coaching” và tính chuyên nghiệp trong cách làm việc.
Văn hóa “coaching” là sự chia sẻ kinh nghiệm làm việc cũng như kiến thức chuyên môn của anh chị cấp trên với cấp dưới. Mọi người luôn sẵn sàng dành thời gian để “coach” cho staff của mình một cách cẩn thận nhất có thể mỗi khi staff băn khoăn về một vấn đề gì đó trong công việc mặc dù vào mùa bận thì ai cũng trong tình trạng siêu bận. Nhờ sự nhiệt tình và cởi mở này của các anh chị manager, senior mà staff cũng cảm thấy tự tin “seek coaching” mỗi khi cần. Quá trình “seek coaching” và “coaching” này giúp staff được trau dồi kiến thức và tự thấy mình “trưởng thành” hơn sau mỗi job, từ đó có thêm động lực làm việc.
Văn hóa làm việc của PwC có tính chuyên nghiệp cao. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở cách làm việc trong nội bộ team kiểm toán và ở cách trao đổi làm việc với khách hàng. Một đặc điểm của ngành kiểm toán là làm việc theo nhóm nên để tiến độ công việc được đảm bảo thì mỗi người cần làm việc theo đúng deadline mà team đã đặt ra với chất lượng công việc tốt nhất có thể để không làm ảnh hưởng tới kết quả chung. Công việc kiểm toán cũng đòi hỏi sự trao đổi thường xuyên và trực tiếp với khách hàng nên để tránh lãng phí thời gian của đôi bên, mình phải đảm bảo thông tin mình trao đổi là thông tin đã được chọn lọc và cập nhật thường xuyên trong quá trình kiểm toán.
Ngoài hai điểm trên thì sự đa dạng cũng là một đặc điểm mà chị thích ở PwC. Có nhiều du học sinh làm việc, có sếp người nước ngoài, khách hàng người nước ngoài và đôi khi phải làm việc với kiểm toán PwC ở các nước khác.
3 mùa bận trôi qua với PwC, chị thấy mình trưởng thành hơn vì được trải nghiệm văn hóa và “đặc trưng” của ngành. Những cái “được” có thể kể tên như là:
Time and stress management skill
Chị học được cách manage công việc dưới áp lực lớn hơn bất kỳ áp lực nào trước đó chị có. Cùng một lúc một người có thể phải làm đồng thời 3, 4 jobs và chỉ ước gì mình có thể thức cả đêm không mệt mỏi để làm được hết chỗ công việc đó. Dần dần chị học được cách sắp xếp thời gian hợp lý để thích nghi với mùa bận, thích nghi với áp lực.
Net-working
Chị có thêm những người anh chị, người bạn rất giỏi và sẵn sàng trợ giúp chị mỗi khi chị cần. Staff ở PwC thì thường ngang tuổi nhau và đều là những người trẻ, nhiệt huyết và có năng lực. Mỗi người đều cố gắng làm thật tốt công việc được giao, nhờ vậy mà ai cũng cảm thấy rằng mình cần nỗ lực hơn để cũng làm tốt như đồng nghiệp của mình.
Clear career path
Cũng giống như các Big 4 firm khác thì lộ trình thăng tiến ở PwC rất rõ ràng, lộ trình thông thường là sau 3 tháng intern các bạn sẽ trở thành trợ lý kiểm toán (associate) rồi sau đó 1 năm sẽ trở thành experienced associate, và sau 1 năm làm experienced associate sẽ trở thành senior – trường nhóm kiểm toán. Bên cạnh đó, mỗi người sẽ có một “career coach”, đối với associate và senior thì mỗi người sẽ có một anh/chị manager là “career coach” – đóng vai trò là người tư vấn, định hướng trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình, mỗi khi băn khoăn về định hướng tương lai thì “career coach” sẽ là người cho mình lời khuyên hữu ích.
Bên cạnh những thứ “được” thì vẫn có thứ chị chưa có được ở PwC đó là work life balance vào mùa bận. Do khối lượng công việc lớn cùng với deadline dày đặc trong mùa bận nên hầu như ngày nào cũng phải làm việc over time, và gần như không có ngày cuối tuần trong mùa bận. Thời gian dành cho gia đình cũng như chăm sóc bản thân sẽ bị hạn chế nhiều.
Bởi vậy nên một trong những điều quan trọng mà các em nên chuẩn bị cho mình khi lựa chọn con đường kiểm toán chính là sức khỏe tốt nhé.
Tóm lại, chị thấy việc lựa chọn PwC là bến đỗ đầu tiên sau khi tốt nghiệp là một lựa chọn nên thử vì môi trường thân thiện, chuyên nghiệp và mang lại cơ hội trau dồi kiến thức tốt. Tuy nhiên trước khi lựa chọn thì các bạn nên chuẩn bị trước tâm lý cho những thứ mình có thể sẽ phải đánh đổi. Riêng với chị thì sự đánh đổi work life balance là điều không thể phủ nhận nhưng những kiến thức, kỹ năng và sự trưởng thành nhận được thì hoàn toàn xứng đáng.
Cảm ơn các em đã kiên nhẫn đọc hết bài và hy vọng chút chia sẻ của chị có ích với các em. Hope to see you someday in PwC!
___________
Trên đây là phần chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Huyền - Trợ lý kiểm toán tại PwC Hà Nội về trải nghiệm của chị tại môi trường làm việc PwC.
Định hướng nghề nghiệp và phát triển bản thân luôn nằm trong top những mối quan tâm hàng đầu của người trẻ hiện nay - đặc biệt là thế hệ GenZ. Dù bạn dự định theo đuổi một lĩnh vực hay nhắm tới vị trí trong bất kỳ tổ chức nào, chuẩn bị cho mình đủ hành trang tri thức và kỹ năng, biết nắm bắt các cơ hội và đặc biệt, có cho mình những người đồng hành trên con đường sự nghiệp luôn là lợi thế.
Theo dõi thêm các bài viết để sớm tích lũy kinh nghiệm cho mình trên hành trình sắp tới bạn nhé!
Các mentor có thể bạn quan tâm