CHỌN MỘT NƠI LÀM VIỆC VÀ CHỌN MỘT NƠI LÀM VIỆC ĐỂ XÂY DỰNG SỰ NGHIỆP
MỘT NƠI CHỈ ĐỂ LÀM VIỆC rất đơn giản là tạo ra sự trao đổi. Mình bán sức lao động, công ty trả lương cho mình. Không hơn, không kém. Để đảm bảo mình bán đủ sức lao động trong công ty, công ty đưa ra quy định kiểm soát về lượng và chất của công việc. Để đảm bảo công ty trả lương đủ cho mình, mình làm rõ ràng về lương thưởng và yêu cầu về các chế độ phúc lợi như được ngủ trưa thế nào, được đi chơi thế nào, bảo hiểm thế nào,… Nên khi tìm một nơi làm việc, mỗi cá nhân rất nên quan tâm việc CÔNG TY SẼ LÀM GÌ CHO MÌNH.
Còn chọn MỘT NƠI LÀM VIỆC ĐỂ PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP, mình nghĩ mỗi cá nhân thay vì chỉ xem xét công ty sẽ làm gì cho mình, thì hãy cân nhắc thật kĩ về MÌNH SẼ LÀM GÌ CHO CÔNG TY. Vì sao “mình sẽ làm gì cho công ty” rất quan trọng trong việc chọn một nơi làm việc để phát triển sự nghiệp? Vì điều ta sẽ tiếp xúc nhiều nhất trong thời gian làm việc không phải là đồng nghiệp, không phải là sếp, trừ những công việc đặc thù thì cũng không phải là khách hàng, mà chính những đầu việc mà ta cần làm. Nên nếu mình dành gần như toàn bộ thời gian cắm mặt vào máy tính làm những điều mình chẳng hứng thú, làm trong trạng thái vô hồn thì nó sẽ kinh khủng đến thế nào.
Nên chọn được MỘT NƠI LÀM VIỆC ĐỂ PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP sẽ cần cân nhắn rất kĩ. Với quan điểm cá nhân, mình có thể liệt kê một vài yếu tố sau đây:
1.Vai trò của mình trong công ty đấy là gì?
Khi nói về sự nghiệp, chắc chắn phải nói đến chuyên môn. Vì vai trò của ta trong công ty phải phù hợp với vai trò mình mong muốn, là những vấn đề ta thực sự muốn dấn thân vào, muốn chuyên sâu, muốn gắn bó lâu dài, muốn trở nên ưu tú.
2. Công ty đó bán gì? Công ty đó bán sản phẩm đó để làm gì?
Đây là bài học lớn nhất khi mình rời công ty cũ và ứng tuyển vào Base. Với bản thân mình, mình không thể làm việc cho một công ty nếu mình không thật sự bị ám ảnh việc mong muốn ngày càng có nhiều người được sử dụng sản phẩm công ty đó. Lý do đầu tiên và lớn nhất mà mình vào Base đó là vì sản phẩm. Không phải vì được khoe là công ty công nghệ thì thấy oách oách, mà là vì đây là sản phẩm mình đã từng được dùng, mình bị thuyết phục bởi nó, mình thấy tác động tích cực của nó, và mình rất tự tin đề xuất cho các doanh nghiệp khác dùng nó.
Nhưng sản phẩm tốt là một chuyện, sản phẩm vừa tốt vừa hay là một chuyện khác. Để hay, sản phẩm đó phải giải quyết được một bài toán vĩ mô hơn, hoặc tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Lúc này phải nhìn đến tầm nhìn và giá trị quan của đội ngũ lãnh đạo. Một sản phẩm không hay được gượng ép tô vẽ thêm một giá trị nhân văn sẽ rất khác với sản phẩm hay với đầy giá trị nhân văn trong chính nó.
Vì kết quả của các công việc bạn làm sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến việc có nhiều người sử dụng sản phẩm của công ty bạn hay không, nên theo mình việc công ty bán gì, tác động rất lớn đến những đầu việc bạn sẽ làm hằng ngày.
3.Công ty đó bán được sản phẩm đấy bằng cách nào?
Mình nghĩ có hai câu hỏi sâu hơn để cân nhắc yếu tố này, đó là:
Câu hỏi đầu tiên sẽ vẽ ra những điều ta sẽ được làm và không phải làm, còn câu hỏi thứ hai sẽ phác họa ra con người ta sẽ được trở thành và không phải trở thành. Nên nếu ranh giới phải - trái, đúng - sai của mình quá khác với công ty, thì làm sao mình có thể thoải mái khi làm công việc đó.
- Để bán được sản phẩm, họ sẽ điên cuồng làm gì và sẽ kiên quyết không được làm gì?
- Để bán được sản phẩm, họ lựa chọn và phát triển những con người trong đó như thế nào?
4.Mình có sợ khi làm việc đó hay không? Và sợ vì điều gì?
Với mình cái sợ rất hay, vì nỗi sợ luôn chứa thông điệp. Có hai nỗi sợ mà mình rất quan tâm:
Một, nỗi sợ khi mình nhận ra bản thân đã biến thành một phiên bản xấu xí hơn (đi ngược lại với giá trị bản thân, tham lam, theo đuổi mấy thứ hào nhoáng vô vị,…), thì lúc này nỗi sợ chính là dây cương kéo mình lại.
Hai, nỗi sợ khi sắp phải bước khỏi vùng an toàn của mình. Ngày xưa khi gặp nỗi sợ này, mình sợ lắm, cũng có rất nhiều lần vì sợ nên đã bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời. Tiến hóa một chút, mình rơi vào trạng thái sợ nhưng vẫn làm. Để đến bây giờ, sợ hơn thì lại thấy kích thích để làm hơn nữa.
Quan trọng là, mình nhận ra sự trưởng thành của mình được tạo nên từ những lần mang theo nổi sợ bước vào và bước qua những thử thách lớn. Vì thế, kiểu sợ này chính là dấu hiện rằng mình đang tiến lên, mình đang phát triển, mình đang có những bước đi xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình. Đó là lí do mình luôn thử thách bản thân, hay thử thách các thành viên trong team làm những công việc phải vượt hơn năng lực hiện tại một chút (một chút để không quá nản khi quá khó, nhưng cũng đủ để biết rằng mình không hề dậm chân mãi ở một nơi).
Viết xong tất cả những điều này, mình thấy tìm một nơi để xây dựng sự nghiệp rất khó, hành trình này phải bắt đầu từ sự hiểu mình (hiểu mục tiêu, hiểu tố chất, hiểu giá trị của chính mình). Nhưng quá trình tìm kiếm này là xứng đáng, để mỗi ngày hơn 10 tiếng, ta không phải sống chỉ với mục đích bán sức lao động để đổi lấy tiền.
Mình tin rằng một nơi để ta chọn phát triển sự nghiệp, không phải là nơi cho ta thấy nhiều thứ đẹp đẽ, dễ dàng. Nhưng trong rất nhiều thời khắc quan trọng, ta sẽ thật yên tâm khi mình đang đi cùng một tổ chức mà nó như một phiên bản khổng lồ hơn, bài bản hơn của chính con người mình vậy.
—------------ Kết nối 1:1 với mình trên Mentori để mình có thể chia sẻ sâu hơn với các bạn nhé:
(*) Link profile của mình: https://mentori.vn/user/523800561
Tham khảo profile của các mentor khác tại Base.vn: https://mentori.vn/c/base.vn
Các mentor có thể bạn quan tâm